Saripada Pacasum Jr. nôn ọe và quay đi ngay lập tức trong lần đầu tiên anh nhìn thấy một thi thể đang phân hủy. Hàng trăm người đã chết sau khi nhóm phiến quân Maute, chân rết của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), đột kích và chiếm giữ thành phố Marawi ở miền nam Philippines cách đây 6 tuần.
Song anh Pacasum không có thời gian để lãng phí khi vây quanh là cơn mưa đạn từ quân chính phủ và các tay súng nổi loạn. Anh lấy găng tay cao su đeo vào và đưa các thi thể ra khỏi vùng chiến sự bằng một chiếc xe tải.
Những tình nguyện viên cứu hộ như anh Pacasum được biết đến như là "biệt đội mũ trắng" hay "biệt đội cảm tử". Họ luôn có thể gặp rủi ro tính mạng vì không được trang bị vũ khí, cũng chẳng có đồ bảo hộ ngoài chiếc mũ bảo hiểm bằng nhựa trắng dành cho dân xây dựng.
Biệt đội cảm tử
"Tôi đã nghĩ sẽ xin thôi việc ngay khi đó", anh Pacasum, 39 tuổi, làm việc cho một văn phòng cứu trợ thảm họa, nói với Reuters. "Tôi sợ hãi và chưa từng chuẩn bị làm công việc này".
Tuy nhiên, anh Pacasum vẫn tiếp tục chỉ huy một nhóm gồm khoảng 30 thanh niên nam nữ hàng ngày tiến vào vùng chiến sự để giải cứu dân thường và tìm kiếm nạn nhân tại Marawi, bất chấp bom đạn, bất chấp những cuộc không kích.
Đội tình nguyện "mũ trắng" hỗ trợ giải cứu dân thường và vận chuyển thi thể tại vùng chiến sự Marawi. Ảnh: Reuters. |
Đội ngũ tình nguyện nói trên bao gồm ngư dân, nông dân, sinh viên và chủ cơ sở kinh doanh nhỏ, đa phần ở Marawi.
"Tất cả chúng tôi đều lớn lên ở Marawi và chúng tôi rất đau lòng khi nhìn thấy Marawi bị bao vây", Abdul Azis Lomondot Jr., một sinh viên 25 tuổi, cho hay. Anh đang ở cùng các đồng đội "mũ trắng" tại văn phòng của nhóm, nhiều người đang cố ngủ để lấy lại sức.
Khi nhận được cuộc gọi từ một người dân đang bị mắc kẹt hoặc từ người thân đang đi sơ tán của họ, đầu tiên nhóm sẽ cố xác định vị trí của những người này. Sau đó, đội trưởng Pacasum kêu gọi các tình nguyện viên hành động.
"Chúng tôi lấy mũ bảo hiểm, chứng minh thư, một cái thang, một số dụng cụ nhỏ và sẵn sàng lên đường", Lomondot cho biết.
Một nhiệm vụ như vậy, diễn ra vào khoảng 3 tuần sau khi chiến sự bắt đầu, đã gần như thất bại khi nhóm lái xe vào khu vực xung đột nhưng không thể tìm thấy ngôi nhà nơi có 4 người cao tuổi bị mắc kẹt.
"Trong khoảnh khắc đó, tôi hoảng loạn vì tôi nghĩ đây có thể là một cuộc phục kích", Pacasum nói khi anh và Lamondot nhớ lại câu chuyện. "Chúng tôi chỉ còn chờ tiếng súng".
Sau khi lái xe lòng vòng khoảng 20 phút, cuối cùng nhóm cũng xác định được vị trí căn nhà. Họ bị bắn khi lái xe đưa những người dân thoát khỏi khu vực.
Cân nhắc đổi nghề
Hơn 460 người đã thiệt mạng từ khi cuộc chiến Marawi bắt đầu hôm 23/5, bao gồm 82 thành viên của lực lượng an ninh và 44 thường dân. Quân đội cho biết hàng trăm người dân vẫn còn bị kẹt trong vùng chiến sự.
Cuộc xung đột được xem là mối đe dọa an ninh nội địa lớn nhất mà Philippines phải đối mặt trong nhiều thập kỷ qua, gây sốc cho các nước láng giềng vì lo lắng rằng IS đang cố gắng thiết lập địa bàn ở Đông Nam Á.
Đội tình nguyện bao gồm nhiều thành phần, từ ngư dân, nông dân, tiểu thương cho đến sinh viên. Ảnh: Reuters. |
Khi cuộc bao vây kéo dài và chính phủ dồn quân vào khu phố ven bờ hồ, quân đội bắt đầu hỗ trợ che chắn cho nhóm tình nguyện. Pacasum nói điều này rõ ràng là một thuận lợi nhưng cũng có nghĩa là giờ họ càng dễ trở thành mục tiêu của phiến quân hơn trước.
Nhóm cứu hộ của anh cũng được tư vấn và nhận được trang thiết bị từ Hội Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cũng như được huấn luyện cách xử lý tử thi.
Đã chỉ huy thêm 10 nhiệm vụ cứu hộ nữa, anh Pacasum muốn tiếp tục công việc cho đến khi cuộc chiến kết thúc, nhưng sẽ cân nhắc đổi nghề sau đó.
"Quá căng thẳng", anh nói.
"Một số tình nguyện viên... chỉ là những đứa trẻ. Chúng rất xông xáo, tôi thì thận trọng hơn. Tôi có con và tôi muốn thấy chúng lớn lên".
Phát hiện hàng chục thi thể bị tùng xẻo ở Nam Philippines | |
Ở Philippines, hát quốc ca 'thiếu khí thế' cũng có thể bị phạt tù |