5 tuyến đường đắt đỏ nhất tại TP HCM theo bảng giá đất mới

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa công bố dự thảo về bảng giá đất tại TP HCM dự kiến áp dụng từ 1/8 đến hết 31/12. Cùng điểm qua 5 tuyến đường dự kiến có mức giá đất cao nhất tại TP HCM.

Đường Đồng Khởi

Đầu tiên là đường Đồng Khởi, đây là tuyến đường có vị trí tại phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Chiều dài của tuyến đường này khoảng 1 km, kèo dài từ Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đến đường Tôn Đức Thắng, đối diện công viên Bến Bạch Đằng.

Theo bảng giá đất tại TP HCM dự kiến áp dụng từ 1/8 đến hết 31/12, giá đất dọc tuyến đường Đồng Khởi sẽ vào khoảng 810 triệu đồng/m2, mức giá đất này tăng khoảng 5 lần so với bảng giá đất đang được áp dụng hiện hành, đây cũng là mức giá đất đắt nhất TP HCM.  Mức giá đất hiện hành của tuyến đường này là 162 triệu đồng/m2 .

Nhà hát TP HCM nằm trên đường Đồng Khởi hiện nay. Nói thêm về giá thuê mặt bằng trên tuyến đường này, theo bảng xếp hạng các đại lộ bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới của Cushman & Wakefield, giá thuê giá thuê mặt bằng tại đường Đồng Khởi của TP HCM là 390 USD/feet vuông/năm, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu quy đổi ra m2, giá thuê mặt bằng bán lẻ bình quân tại đường Đồng Khởi khoảng 100 triệu đồng/m2/năm.

Đường Lê Lợi

Tuyến đường tiếp theo là đường Lê Lợi, tuyến đường này có vị trí tại phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Tuyến kéo dài từ khu vực ga metro Bến Thành tới đường Đồng Khởi (đối diện nhà hát TP HCM). Đường Lê Lợi chỉ có chiều dài vào khoảng 700 m. Trên hình là công viên cảnh quan nằm ngay giữa trục đường Lê Lợi, gần nhà hát thành phố.

Theo bảng giá đất tại TP HCM dự kiến áp dụng từ 1/8 đến hết 31/12, mức giá đất dọc tuyến đường Lê Lợi cũng ngang bằng với đường Đồng Khởi, vào khoảng 810 triệu đồng/m2, mức giá đất này tăng khoảng 5 lần so với bảng giá đất đang được áp dụng hiện hành. Mức giá đất hiện hành của tuyến đường này là 162 triệu đồng/m2 .

 Tòa nhà Opera View nằm dọc tuyến đường Lê Lợi hiện nay.

Đường Nguyễn Huệ

Một tuyến đường khác khá nổi tiếng tại quận 1 TP HCM là đường Nguyễn Huệ, tuyến đường này kéo dài từ đường Lê Thánh Tôn (đối diện UBND TP HCM) tới đường Tôn Đức Thắng, với chiều dài gần 800 m. Đường Nguyễn Huệ là nơi có phố đi bộ Nguyễn Huệ - một địa điểm vui chơi rất nổi tiếng của TP HCM.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ là quảng trường đi bộ đầu tiên của Việt Nam. Mức giá đất của tuyến đường này theo bảng giá đất tại TP HCM dự kiến áp dụng từ 1/8 đến hết 31/12 cũng ngang bằng với hai tuyến đường Đồng Khởi và Lê Lợi, khoảng 810 triệu đồng/m2. Mức giá đất hiện hành của tuyến đường này là 162 triệu đồng/m2.

 Nhiều thương hiệu lớn nhỏ tập trung dọc tuyến đường Nguyễn Huệ.

Đường Công Trường Lam Sơn

Cũng nằm tại phường Bến Nghé, quận 1, đường Công Trường Lam Sơn chỉ có chiều dài gần 200 m, song tuyến đường này vẫn là một trong năm tuyến đường đắt nhất TP HCM, tuyến có điểm đầu tại đường Đồng Khởi, điểm cuối tại đường Hai Bà Trưng.

Mức giá đất của tuyến đường này theo bảng giá đất tại TP HCM dự kiến áp dụng từ 1/8 đến hết 31/12 là khoảng 579 triệu đồng/m2, tăng khoảng 5 lần so với mức giá đất hiện hành, mức giá đất hiện hành của tuyến đường này là gần 116 triệu đồng/m2.

Đường Lê Thánh Tôn (đoạn từ đường Phạm Hồng Thái đến đường Hai Bà Trưng)

Tuyến đường cuối cùng là đường Lê Thánh Tôn (đoạn từ đường Phạm Hồng Thái đến đường Tôn Đức Thắng), đoạn đường Lê Thánh Tôn này có chiều dài khoảng 1,2 km.

Tương tự như tuyến đường Công Trường Lam Sơn, mức giá đất dọc tuyến đường này dự kiến từ ngày 1/8 đến hết 31/12 là 579 triệu đồng/m2, tăng khoảng 5 lần so với mức giá cũ, ở mức hơn 119 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đoạn đường Lê Thánh Tôn từ đường Hai Bà Trưng - đường Tôn Đức Thắng, mức giá đất của đoạn đường Lê Thánh Tôn đoạn từ Phạm Hồng Thái - đường Hai Bà Trưng cũng đạt khoảng 550 triệu đồng/m2, mức giá hiện tại là 110 triệu đồng/m2.

Theo bảng giá đất tại TP HCM dự kiến áp dụng từ 1/8/2024 đến hết 31/12/2024, giá đất ở nhiều tuyến đường có thể tăng từ 5 - 50 lần so với hiện tại.

Cụ thể, địa bàn quận 3 có nơi mức tăng khoảng 9 lần. Điển hình như đường Trương Định tăng từ hơn 57 triệu đồng/m2, lên mức 320 triệu đồng/m2; đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mức tăng là 7 lần, với giá đất mới là 420 triệu đồng/m2.

Một trong những địa bàn có mức tăng cao là huyện Hóc Môn, đường song hành QL 22 có mức tăng xấp xỉ 50 lần, đường Đặng Công Bỉnh có mức tăng 40 lần, từ 600 nghìn đồng/m2 lên hơn 24 triệu đồng/m2.

Một số địa bàn như khu vực quận 4 tăng 11 lần, quận 5 tăng khoảng 6 lần, quận 11 có mức tăng từ 8 - 9 lần, quận 6 tăng từ 6 - 12 lần; TP Thủ Đức tăng từ 11 - 15 lần, huyện Củ Chi có mức tăng cao nhất cấp xỉ 14 lần...