Câu chuyện về những nguời thợ già còn sót lại

Từ một làng nghề với hơn 30 cơ sở kinh doanh, xóm bếp lò Phú Định, Q.8 – TPHCM, giờ chỉ còn độc nhất một cơ sở của ông Trần Văn Tiếp (Năm Tiếp) nhưng có lẽ một ngày không xa nghề nặn ông hỏa ở Phú Định sẽ vào quên lãng…

Vào một ngày cuối năm, chúng tôi tìm tới cơ sở bếp lò của ông Trần Văn Tiếp. Lọt thỏm giữa những bụi cỏ hoang mọc um tùm dưới chân cầu Rạch Cây ngang đại lộ Đông Tây. Men theo con đường mòn nhầy nhụa bởi trận mưa đêm qua, cuối cùng chúng tôi cũng vào được bên trong cơ sở. Khác hẳn với không khí ảm đạm bên ngoài, phía trong những tốp thợ đang tất tả nhào nặn đất sét, người nhào đất, người nặn, người vào khuôn, tiếng cười nói rôm rả tạo nên một không khí sôi động khác hẳn so với vẻ yên ả bên ngoài.

cau chuyen ve nhung nguoi tho gia con sot lai
Hơn 40 năm sống với nghề, người đàn ông gầy gò theo thời gian.

Dù không biết làng nghề ra đời từ bao giờ nhưng với nhiều người, họ bảo đã làm nghề hơn nửa thế kỷ, từ đời cha truyền con nối. Thời gian qua đi, làng nghề trước đây được mệnh danh là làng nặn "ông hỏa" lớn nhất lục tỉnh nam kỳ bây giờ chỉ còn lại cái danh trong quá khứ. Làng nghề ngày nay đã mai một và chỉ còn duy nhất một cơ sở, với những người thợ lành nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Phạm Văn Nguyên, 62 tuổi, người gầy gò da sạm màu nắng, đứng giữa trời không bạt che đang tạo hình cho bếp chia sẻ: “Tui làm nghề này ngoài 40 năm rồi, ngày trước còn trẻ còn khỏe thì làm bếp đại (loại bếp lớn) nay đâu còn sức nên chỉ làm loại nhỏ. Giờ có tuổi, con cháu không cho đi làm nhưng ở nhà cuồng chân, nhớ nghề đến quay quắt, với lại nặn bếp cũng có thu nhập khá không phải lệ thuộc con cái nên cứ làm thôi”.

Làm cạnh ông Nguyên là ông Tạ Thành, 59 tuổi, cũng có thăm niêm trên 30 năm, đang ráp ba cái đầu bếp (ba ông táo). Bàn tay người đàn ông có dáng người khắc khổ này thoăn thoắt nhồi đất, tạo hình, rồi gọt láng. Tất cả đều làm bằng tay nhưng ba ông táo đều như khuôn đúc. Ông Thành bảo, nặn cũng giống như việc cầm đũa ấy mà, làm mấy chục năm rồi có khi nhắm mắt cũng còn nặn được ấy.

cau chuyen ve nhung nguoi tho gia con sot lai
Đa số những người trong cơ sở đều là những người lớn tuổi.

Nhìn qua nghề, việc tạo ông lò có vẻ đơn giản nhưng theo những người thợ lớn tuổi đó là cả một quá trình đào luyện và chỉ có những người yêu nghề thực sự mới đủ kiên nhẫn để theo đến cùng. Bởi để tạo ra một chiếc bếp hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như trộn đất, nắn khuôn, ráp đầu, gọt láng (tạo hình), nung lửa, vô thùng (lớp vỏ bằng nhôm hoặc thiếc bao bên ngoài lò) và tất cả đều được làm bằng tay một cách tỉ mỉ.

Để trở thành một thợ lò, người thợ phải học từ khâu trộn đất đơn giản, rồi tạo khuôn đến khâu gọt láng. Mỗi công đoạn đều có những cái khó và đặc điểm riêng đòi hỏi người học nghề phải thực sự kiên nhẫn. Theo chủ cơ sở Năm Tiếp, công đoạn nào cũng quan trọng như nhau và phải hoàn hảo từ khâu ban đầu mới cho ra một sản phẩm theo ý muốn.

Ông Phan Thanh Tâm, một thở trẻ ở đây nhưng đã 56 tuổi nhận định: “Những ai yêu nghề và cố công lắm cũng phải mất ba bốn năm mới có thể tự thân làm ra một cái bếp. Hồi đó tui cũng mất bốn năm mới úp khuôn không bể. Nghề này coi vậy chứ cực lắm, phải làm dưới nắng nóng, rồi mang vác rất nặng nhọc. Đó là chưa kể mưa nắng thất thường phải khiêng ra khiêng vô cũng đủ sụm cái lưng”.

cau chuyen ve nhung nguoi tho gia con sot lai
Công việc tuy khó khăn, nhiều người vẫn còn nặng lòng níu giữ lấy làng nghề truyền thống.

Ở đây, có những người thợ ngoài 60 tuổi, thậm chí có cụ 70 tuổi, họ vui vẻ chuyện trò, kể về đời, về nghề nhưng đề nghị không nêu tên bởi họ sợ con cái biết chuyện trốn đi làm lò sẽ bị “bắt” về. Với họ, ngoài chuyện mưu sinh nặn lò còn là niềm vui, một thói quen khó bỏ thậm chí là định mệnh gắn với số phận từng con người nơi đây và cả việc lưu giữ nét văn hóa người Việt xưa.

Ông Phan Quốc Thái (73 tuổi) ở đây giải thích: “Cái bếp từ ngàn xưa đã trở thành hình tượng nhắc nhở các thành viên trong gia đình sống cho phải đạo, cố giữ gìn nền nếp, phép tắc, êm ấm trong gia đình. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dù đi đâu, làm gì vẫn muốn về nhà cùng vào bếp, cùng ăn bữa cơm gia đình, để giữ bếp nhà luôn đỏ lửa, để không khí gia đình luôn nồng ấm, hạnh phúc. Hình tượng cái bếp đã trở thành hình tượng của gia đình, của sự sum họp, đoàn viên”.

cau chuyen ve nhung nguoi tho gia con sot lai
Những người thợ hiếm hoi sống với nghề được coi là "sứ giả lưu giữ văn hóa".

Góp thêm vào câu chuyện, ông Minh, một thợ lớn tuổi gần đó thêm vào: “Đến nay tục nằm than của phụ nữ sau khi sanh nhiều người vẫn giữ, và tục đưa ông Táo về trời hay tục cúng nhà mới (lễ nhập trạch)… không thể thiếu cái bếp. Ngoài việc làm nghề để kiếm thêm thu nhập phụ giúp con cái, chúng tôi coi việc nặn ra cái bếp như để hun đắp, sưởi ấm cho cuộc sống của mỗi gia đình, nó như một việc làm để lưu giữ văn hóa truyền thống vậy".

Cứ thế, thời gian qua đi, lớp trẻ không còn hứng thú với nghề, những người thợ già cũng đến ngày phải nghỉ ngơi, làng nghề dần mai một rồi sẽ một ngày cái làng "nặn ông hỏa" này cũng đi vào quên lãng.

Còn tiếp...

chọn
Cao tốc CT 08 qua Nam Định - Thái Bình cần giải phóng 509 ha đất, xây 9 cầu và 5 nút giao, hoàn thành vào năm 2027
Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua hai tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài hơn 61 km, đi qua 4 huyện của Nam Định, hai huyện của Thái Bình. Tuyến cao tốc này dự kiến được hoàn thành vào năm 2027.