Ông Trần Sỹ Thanh phát biểu mở đầu tại hội thảo. (Ảnh: NA).
Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - đã nêu quan điểm như vậy tại hội thảo bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia tổ chức sáng 18/7 tại Hà Nội.
Theo ông Thanh, đến nay ngành dầu khí đã khai thác được gần 400 triệu tấn dầu và 150 tỉ m3 khí, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỉ kWh điện, chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện của cả nước, 55 triệu tấn sản phẩm xăng dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu cả nước).
Tính đến cuối năm 2018, tổng doanh thu của Tập đoàn Dầu khí đạt trên 374 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 105 tỉ USD.
Tuy nhiên, ông Thanh nhìn nhận đến nay có rất nhiều rào cản đặt ra cho ngành dầu khí. Từ cơ chế, chính sách khi ba năm qua không có cơ chế tài chính, tạo rủi ro vô cùng lớn cho những người hoạt động dầu khí "ngấp nghé trên bờ vực sai phạm".
"Quan điểm và cơ chế hiện nay khiến cho ngành dầu khí không có cơ chế, nguồn quỹ gì để khoan và thăm dò. Hiện nay ta đang ăn vào những sản phẩm mà cha anh chúng ta làm ra" - ông Thanh thẳng thắn nói.
Trong khi đó, Luật Dầu khí mới sửa đổi gần đây nhất, đưa ra Bộ hợp đồng dầu khí, điều kiện khắt khe, đòi hỏi cao. Ông Thanh ví ngành dầu khí hiện đang như gái "quá lứa lỡ thì" nhưng điều kiện đặt ra lại quá khắt khe, "của hồi môn quá cao", nên khó thu hút đầu tư.
Đồng thời, việc ra một số sắc thuế áp cho toàn bộ loại hình, không có đặc thù cá biệt cũng gây khó cho ngành dầu khí. Đơn cử như thuế tài nguyên nước dù đã kêu nhiều lần, thậm chí "năn nỉ" các cấp ngành, có chứng minh và phản biện để cơ chế đưa ra cho phù hợp, nhưng giờ vẫn chưa có sự thay đổi.
Ông Thanh dẫn chứng cụ thể, hiện nay mức thuế tài nguyên nước là 100 triệu đồng/ km2 mặt biển. Trong khi mỗi lô dầu ngành dầu khí khai thác khoảng 5.000m2, tính ra là 10 - 15 triệu USD cho một lô thăm dò dầu khí, thì không thể nhà đầu tư thăm dò dầu khí nào chịu đựng được.
"Chúng ta đặt ra cơ chế chính sách nhưng quan điểm hiện nay đang rất xung đột với cơ chế chính sách", ông Thanh nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Hồng Minh, Viện phó Viện dầu khí, cho rằng nhu cầu đầu tư mỗi năm là hàng tỉ USD, nhưng chỉ huy động được vài trăm USD, phần lớn là khoan thăm dò nên số lượng dầu khai thác suy giảm.
"Kêu gọi đầu tư không được vì không hấp dẫn, như câu chuyện thuế mặt nước, tạo rào cản về thể chế và thủ tục. Ví dụ khoan một giếng không đạt được ban đầu mong muốn, vì không dự liệu được nên phải khoan rẽ nhánh, tức là đầu tư phải tăng lên, với chi phí tăng lên tới hàng chục triệu hoặc thậm chí là trăm triệu USD. Trong khi các công ty dầu khí giải quyết trong vòng 1 tuần, nhưng ta phải xin lên Thủ tướng" - ông Minh cho hay.
Cũng theo ông Minh, giai đoạn 2019 - 2025 để gia tăng trữ lượng và đầu tư dự án cần phải 13 - 14 tỉ USD đầu tư, nhưng hiện chưa có cơ chế nào để có nguồn lực này.
Ông Trương ĐÌnh Tuyển, cựu Bộ trưởng Bộ thương mại, cho rằng vấn đề mấu chốt trước hết là cần phải sửa Luật Dầu khí, tạo động lực cho một ngành rủi ro, cho các nhà đầu tư trong và nước ngoài tìm kiếm và thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam.