Thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy khả năng "miễn nhiễm" với những ảnh hưởng tiêu cực từ bóng đen của đại dịch Covid-19.
Trong khi phần lớn các lĩnh vực của nền kinh tế đang gặp khó khăn, thậm chí trở nên đình trệ thì chỉ số VN-Index lại liên tục phá kỷ lục mới. Dòng tiền đồ vào chứng khoán tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là từ phía nhóm nhà đầu tư cá nhân.
Vậy điều gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán và điều đó có ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế nói chung? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) về vấn đề này.
- Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận sự gia nhập tích cực của các nhà đầu tư cá nhân, trung bình mỗi ngày có hơn 3.000 tài khoản mở mới. Theo ông, nguyên nhân nào khiến dòng tiền lại đổ mạnh vào chứng khoán như vậy?
Ông Phạm Thế Anh: Số lượng hơn 3.000 tài khoản mở mới không hẳn là tài khoản ròng trên cả thị trường mà có thể là tài khoản do một người chuyển từ công ty chứng khoán này sang công ty khác, và mỗi người lại có thể mở nhiều tài khoản tại các công ty chứng khoán khác nhau. Điều quan trọng cần xem xét là số lượng nhà đầu tư trên thị trường.
Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa thì dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường chứng khoán cũng đang tăng lên. Tiền chủ yếu đến từ các kênh đầu tư khác, kênh tiết kiệm do lãi suất tiền gửi trở nên kém hấp dẫn.
Đối với doanh nghiệp, hầu hết ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn, các kế hoạch đầu tư mới phải tạm dừng lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó sẽ có một khoản không nhỏ từ tiền tiết kiệm của doanh nghiệp. Từ đó tạo ra sự cộng hưởng rất lớn trên thị trường chứng khoán.
- Mua bán chứng khoán trên sàn là thị trường giao dịch thứ cấp, dòng tiền vào đây sẽ không đổ vào sản xuất kinh doanh, theo ông việc này sẽ dẫn đến điều gì?
Ông Phạm Thế Anh: Giao dịch trên thị trường chứng khoán không thuần tuý vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ có tiền từ thị trường sơ cấp khi phát hành chứng khoán tăng vốn mới đi vào doanh nghiệp. Phần còn lại là giao dịch thứ cấp mua đi bán lại trên sàn chứng khoán, hưởng chênh lệch giá.
Nếu như thị trường giao dịch thứ cấp lớn quá thì sẽ có biểu hiện của thị trường đầu cơ, là ngắn hạn, không bền vững. Đấy là rủi ro của thị trường hiện nay. Dòng tiền nóng hay dòng tiền ngắn hạn sẽ đẩy giá của cổ phiếu vượt xa định giá cơ bản, giá trị thực của doanh nghiệp, tạo rủi ro.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán,... là một trong những nhóm cổ phiếu nóng hiện nay.
- Gần đây một số công ty chứng khoán tăng mạnh mức định giá cổ phiếu ngân hàng, có cổ phiếu định giá tăng hơn 40% so với mức giá hiện tại. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?
Ông Phạm Thế Anh: Định giá của các công ty chứng khoán cũng chỉ ở mức tương đối và hiện nay họ thường định giá theo dòng tiền vào thị trường là chính chứ không dựa trên yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
Khi thấy dòng tiền vào nhiều thì họ sẽ nâng P/E của thị trường lên. Ví dụ trước đây P/E của thị trường khoảng 15 – 16 là phù hợp nhưng giờ họ nâng lên 18 – 19 khiến mức định giá cổ phiếu tăng lên.
Đối với các cổ phiếu ngân hàng, trước đây P/B định giá khoảng 1,5 nhưng hiện nay họ nâng lên 1,8 – 2 thì tự nhiên định giá tăng lên. Thông thường đánh giá P/B tuỳ theo sức khoẻ của ngân hàng và mức nâng hạng thị trường. Các nước có triển vọng kinh tế tốt thì P/E cao hơn, còn thị trường mới nổi, cận biên thì sẽ thấp hơn.
- Khi kỳ vọng giá càng cao thì lượng tiền họ đẩy vào chứng khoán ngày càng nhiều, thúc đẩy giá cổ phiếu tăng. Vậy đâu là sẽ là điểm dừng của giá cổ phiếu?
Ông Phạm Thế Anh: Thường thì các cơn sốt của bất động sản, chứng khoán hay bất kể một thị trường, tài sản nào khác là do các dòng tiền nóng tạo ra. Điểm dừng của nó về dài hạn thì vẫn phải quay về với định giá của doanh nghiệp, nền tảng cơ bản của doanh nghiệp.
Định giá quá cao thì sẽ khiến cho tỷ suất cổ tức sẽ trở nên thấp. Mức giá tăng lên tới đâu còn phù thuộc vào hoạt động, tiềm năng tăng trưởng của từng doanh nghiệp.
Nếu sử dụng mức lãi suất tiết kiệm hay lãi suất chính phủ ở mức từ 6 - 7% (lãi suất phi rủi ro) để tính chiết khấu thì P/E của thị trường rơi vào khoản từ 14,2 - 16,6. Nếu P/E lên tới 20 – 21 thì đó là lúc thị trường nóng.
Rất khó để nói về điểm dừng của giá cổ phiếu, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay khi dịch Covid qua đi các hoạt động sản xuất kinh doanh khôi phục trở lại thì dòng tiền sẽ rút ra khỏi chứng khoán và đầu tư vào nền kinh tế nhiều hơn.
Lãi suất là một yếu tố quan trọng, khi lãi suất có dấu hiệu tăng trở lại thì thị trường sẽ nguội dần, bất kể thị trường nào cũng thế.
- Đây có phải là dấu hiệu của bong bóng chứng khoán như những gì diễn ra vào năm 2007 và năm 2018 trước đây không?
Ông Phạm Thế Anh: Thị trường đã có những dấu hiệu như thế. Khi giá cổ phiếu đẩy vượt xa quá với giá trị thực của nó là dấu hiệu đầu tiên của bong bóng giá chứng khoán. Đẩy càng cao thì càng nguy hiểm. Điều quan trọng là muốn thị trường bền vững thì môi thường kinh tế vĩ mô phải ổn định.
Năm 2007 – 2008 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm quá nhiều tiền vào thị trường, tăng trưởng cung tiền quá nóng, đầu tư tràn lan, kém hiệu quả gây ra lạm phát cao. Lúc đó NHNN buộc phải thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát khiến bong bóng vỡ.
Thời điểm hiện nay khác với thời điểm 2007 – 2008, sức ép lạm phát không quá lớn, phần lớn thu nhập người dân bị giảm sút, phân hoá giàu nghèo trong xã hội rất lớn.
Phần lớn người nghèo thì thu nhập bị mất đi do ảnh hưởng của Covid-19, sản xuất hàng hoá thì dư thừa dẫn đến giá hàng hoá khó tăng. Thứ hai nữa là NHNN kiểm soát cung tiền tốt hơn thời kỳ 2007 – 2008, đầu tư công được kiểm soát tốt hơn khiến sức ép lạm phát không lớn.
Hơn nữa, nền tảng của doanh nghiệp bây giờ cũng tốt hơn so với thời kỳ trước. Do vậy việc bong bóng đột ngột vỡ như thời kỳ trước (rơi từ 1.200 về 300 điểm) là khó xảy ra, xác xuất rất thấp. Tuy nhiên với thị trường nóng như hiện nay thì điều chỉnh khoảng 200 – 300 điểm là bình thường.
Khi các dòng tiền nóng dừng lại, nhà đầu tư nhận thấy giá cổ phiếu quá cao, dòng tiền sẽ chưa rút ra khỏi thị trường ngay mà sẽ luân phiên giữa trong các nhóm cổ phiếu, tìm kiếm nhóm cổ phiếu có lợi thế, kết quả kinh doanh tốt, có thể là ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, BĐS,…
Cùng với đó là xu hướng tăng lãi suất mặc dù chậm nhưng sẽ khiến cho dòng tiền chững lại, rút dần ra để tìm kiếm sang các thị trường tài sản khác như bất động sản hay vàng.
- Theo ông, rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán vào lúc này là gì và làm cách nào để giảm thiểu rủi ro này?
Ông Phạm Thế Anh: Đầu tư chứng khoán thì lúc nào cũng xác định có rủi ro. Tuy nhiên, muốn hạn chế rủi ro thì phải đầu tư vào những cổ phiếu, ngành nghề tốt, ít phụ thuộc vào những dòng tiền nóng, không lao theo các đầu tư đánh đấm, làm giá.
- Đối với thị trường BĐS, cơ quan chức năng đã vào cuộc để ngăn chặn hiện tượng sốt đất diễn ra ở khắp nơi. Với thị trường chứng khoán, theo ông, họ cần có những động thái gì để kiểm soát thị trường tốt hơn?
Ông Phạm Thế Anh: Thị trường sẽ tự nó vận động và điều tiết. Còn việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN phải gắn liền với việc kiểm soát lạm phát và nợ xấu. NHNN cần bám sát vào những biến động của lạm phát để quyết định chính sách lãi suất phù hợp.
Còn đối với nợ xấu, do có những khoản nợ được áp dụng các biện pháp nới lỏng điều kiện an toàn tài chính: khoanh nợ, giãn nợ,… nên bức tranh nợ xấu chưa được phơi bày toàn bộ. Do đó cũng cần cẩn trọng với yếu tố rủi ro này.
- Xin cảm ơn ông!