Cuộc chiến phí ngân hàng 0 đồng

Từ chỗ chạy đua tăng phí, gần đây nhiều ngân hàng (NH) đang phát pháo cuộc đua giảm phí, thậm chí áp dụng chính sách "phí 0 đồng" nhằm thu hút khách hàng cũng như tăng số dư tiền gửi không kì hạn.
Cuộc chiến phí ngân hàng 0 đồng - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng đang miễn, giảm phí để khuyến khích khách hàng sử dụng các kênh giao dịch hiện đại thay vì tập trung giao dịch tại quầy. (Ảnh: QUANG ĐỊNH).

Miễn, giảm phí giao dịch NH (kèm điều kiện) đang trở thành xu thế vì cả khách hàng và NH đều được lợi.

Kẻ tận thu, người miễn phí

Chị Thanh Vân (Quận 2, TP HCM) cho hay chị mở tài khoản tại NH V. đã hơn 10 năm. Mỗi tháng chị tốn khá nhiều phí: 11.000 đồng phí dịch vụ tin nhắn thông báo số dư, 11.000 đồng phí dịch vụ với app chuyển tiền. Mỗi lần chuyển tiền nội mạng mất phí 2.200 đồng, chuyển ngoại mạng phí là 7.700 đồng (với giao dịch dưới 10 triệu đồng). Nếu chuyển tiền trên 10 triệu đồng, mức phí là 0,02% trên tổng số tiền. 

"Dù giao dịch rất ít, mỗi tháng cũng tốn gần 30.000 đồng tiền phí",  chị Vân than.

Một số NH khác ngoài việc tăng phí còn "tận thu" bằng cách chẻ nhỏ các dịch vụ. Anh Minh Hoàng (Quận 3) dùng app để chuyển khoản vì thao tác nhanh và tiện hơn so với chuyển khoản trên NH điện tử.

"Ban đầu NH không tính phí khi dùng app nhưng mấy tháng gần đây đã bắt đầu thu phí", anh Hoàng nói.

Tuy nhiên, lại có một số NH đi ngược dòng khi miễn, giảm phí dịch vụ cho khách. NH Quốc tế (VIB) tung ra gói tài khoản Sapphire và Gold, trong đó miễn tất cả phí trong ba tháng đầu gồm phí tài khoản thanh toán, phí duy trì thẻ, phí rút tiền ATM, phí chuyển tiền online, phí chuyển tiền tại quầy cho khách hàng lần đầu tham gia gói.

NH Bản Việt cũng có gói tài khoản thương nhân dành cho khách hàng cá nhân, chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Theo đó, NH yêu cầu duy trì số dư bình quân mỗi tháng trong tài khoản từ 5 triệu đồng trở lên sẽ được miễn phí chuyển tiền trong nước tại quầy và online. Ngoài ra NH này còn miễn phí rút tiền, phí thường niên, miễn phí sử dụng dịch vụ NH điện tử...

SeABank cũng miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống cho khách hàng sử dụng dịch vụ SeANet, SeAMobile.

Không chỉ miễn, giảm phí cho khách hàng cá nhân, một số NH còn áp dụng với cả khách hàng doanh nghiệp. Trên thực tế, xu thế "phí 0 đồng" bắt đầu nở rộ, sau khi Techcombank tiên phong áp dụng chính sách "Zero Fee" cho tất cả các giao dịch trực tuyến qua F@st I-bank và F@st mobile của khách hàng cá nhân từ cuối tháng 9/2016, và mở rộng chính sách này với khách hàng doanh nghiệp từ tháng 10/2018.

Ai được lợi?

Vì sao từ chỗ liên tục tăng phí lại chuyển sang miễn phí cho khách hàng? Ông Nguyễn Lê Quốc Anh -Ttổng Giám đốc NH Techcombank - cho biết với hơn 1.700 triệu giao dịch, tính trung bình mỗi giao dịch phí khoảng 5.000 đồng, tổng phí giao dịch đã miễn cho khách hàng lên đến hơn 500 tỉ đồng.

Nhưng chỉ sau một thời gian áp dụng chính sách mới, tỉ trọng tiền gửi không kì hạn trong tổng huy động vốn của Techcombank đã tăng lên 28%, giúp NH có được nguồn vốn huy động với chi phí thấp. Ngoài ra, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ NH trực tuyến của NH này cũng tăng mạnh. Qua đó cũng giúp giảm bớt chi phí vận hành từ chi nhánh đến hội sở NH và lợi ích này lớn hơn nhiều so với "mất doanh thu".

NH SeABank dù mới miễn phí giao dịch từ đầu năm nay nhưng số dư tiền gửi không kì hạn đã tăng hơn 20%, lượng giao dịch và số khách hàng thường xuyên giao dịch cũng tăng lên.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc NH Phương Đông (OCB) - nhận định chính sách hạ giá, phí dịch vụ của các NH sẽ dần trở thành xu hướng, vì việc khách hàng duy trì số dư không kì hạn sẽ giúp thanh khoản NH tốt hơn, nhất là trong bối cảnh NH Nhà nước siết tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% và dự kiến giảm về mức 30% trong hai năm tới.

Tiền gửi không kì hạn được tính vào vốn ngắn hạn, NH chỉ phải trả lãi khoảng 0,1-0,5%/năm, trong khi nếu huy động có kì hạn, mức lãi thường là 4-5%/năm. Nguồn vốn không kỳ hạn càng lớn càng giúp NH giảm giá vốn, gia tăng biên lợi nhuận.

Nhiều ngân hàng lớn bắt đầu thay đổi

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, mục tiêu tăng nguồn thu phí của NH vẫn không đổi, tuy nhiên phí sẽ dựa trên nhiều hoạt động khác nhau chứ không chỉ phí chuyển tiền, rút tiền. Chẳng hạn NH có thể bán chéo sản phẩm bảo hiểm, cho vay du học, hay thu từ dịch vụ quản lý tài chính cá nhân, phát hành trái phiếu...

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH cổ phần lớn tại TP HCM cho biết hiện mức phí 0 đồng thường được các NH áp dụng cho các kênh NH điện tử, còn với kênh NH truyền thống thì hạn chế hơn.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy nhiều NH cổ phần lớn cũng đang từng bước theo xu thế này thông qua việc thiết kế các gói tài khoản riêng, hoặc miễn giảm phí linh hoạt theo tỉ lệ phần trăm tùy theo số dư duy trì trong tài khoản để phù hợp với nhiều dạng khách hàng khác nhau.

"Zero fee" sẽ trở thành xu thế

Chuyên gia Huỳnh Trung Minh nhận định trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, việc miễn, giảm phí giao dịch NH kèm điều kiện sẽ trở thành xu thế, bởi thật ra NH được lợi chứ không thiệt.

"Zero fee không thu được phí nhưng NH lại được lợi từ số dư tiền gửi không kì hạn trong tài khoản. Hoặc từ việc thu hút lượng khách hàng mở tài khoản thanh toán, NH sẽ có cơ sở dữ liệu lớn, thống kê hành vi của khách hàng để bán chéo sản phẩm hoặc bán bảo hiểm. Khách hàng cũng được lợi vì tiết kiệm được chi phí khi giao dịch. Điều này sẽ dần giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt", ông Minh nhận định.

Đa số vẫn miễn phí kèm điều kiện

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, hiện để được miễn phí, một số NH thường có ràng buộc khách hàng cá nhân duy trì số dư nhất định, ít nhất là 1 triệu đồng với khách hàng cá nhân và 10 triệu đồng với khách hàng doanh nghiệp. Người dân nên hỏi NH của mình và khảo sát một vài NH để có thể giảm số chi phí không nhỏ nếu thường xuyên chuyển khoản, thanh toán không tiền mặt.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.