Đại tá Trần Hồng (SN 1947) được biết đến là nhà báo chuyên ghi lại hình ảnh về cuộc sống của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông còn đam mê chụp ảnh chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng, những “tượng đài hy sinh” của đất nước.
Trong căn hộ nằm trên tầng 2 khu tập thể phố Đường Thành (Hoàn Kiếm, Hà Nội) của ông, phòng khách rộng hơn chục mét vuông tràn ngập hình chụp Đại tướng và hình ảnh những người bà, người mẹ, những người phụ nữ trên khắp cả nước.
Đại tá, nhà báo Trần Hồng |
Tốt nghiệp ĐH Báo chí năm 1973, Trần Hồng về làm PV ảnh tại báo Quân đội Nhân dân.
"Lúc ấy, tôi mê chụp lắm, thấy gì cũng chụp. Chụp nhiều, cũng có nhiều ảnh đẹp, nhưng nhìn kỹ lại tôi vẫn chưa hài lòng vì chưa tìm được nguồn cảm hứng, sự rung động thực sự", ông chia sẻ.
Khi mới ra trường, ông ở tập thể số 8 Lý Nam Đế, cứ chiều chiều có một bà cụ hay đón cháu gái đi học về. Bà đi chợ về, bé gái tên Hòa cũng chạy ùa ra đón, tình cảm ấy ngày này qua ngày khác tạo cho ông một cảm hứng mãnh liệt.
Về thăm mẹ ở Hà Tĩnh, lúc đó mẹ ông đã cao tuổi nhưng bà vẫn coi ông như một đứa trẻ, tắm, gội đầu, kỳ lưng cho ông.
"Tôi có một tình cảm rất đặc biệt với mẹ, mỗi lần về phép tôi có cảm giác gần gũi vô cùng. Tôi nhìn vào mắt mẹ, nghĩ đến các đồng đội tôi. Niềm vui rất nhỏ nhưng rất nhiều bà mẹ Việt Nam không có vì con các mẹ ra mặt trận và mãi mãi không về", ông tâm sự.
Người phụ nữ đầu tiên mà ông chụp là mẹ ông, chụp năm 1973. Hình ảnh mẹ và hình ảnh bà cụ ở số 8 Lý Nam Đế bồi đắp cho ông đam mê chụp ảnh về Mẹ.
Cho đến giờ qua 45 năm, đề tài Mẹ vẫn là đề tài ông theo đuổi, số ảnh ông chụp chân dung Mẹ cũng lên tới gần 2.000 bức.
Đại tá, nhà báo Trần Hồng cùng tác phẩm mẹ Thứ bên mâm cơm |
Đến địa phương nào, ông cũng dành ít nhất 30% thời gian để đi chụp chân dung các bà mẹ. Bà mẹ Quảng Nam, Đà Nẵng khiến ông ấn tượng nhất, cảm thấy có tình cảm đậm đà nhất.
Trong đời cầm máy chụp, Đại tá Hồng ấn tượng nhất với Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Đó là người mẹ phải hứng chịu nỗi đau không từ nào có thể diễn tả. Nhà mẹ Thứ có đến 11 liệt sĩ, trong đó có 9 con trai, 1 con rể và 1 người cháu ngoại.
Năm 2001, ông chụp bức đầu tiên, cảnh mẹ Thứ ngồi trước mâm cơm với 9 bộ bát đũa bày ra để tưởng nhớ các con và coi đó là sự sum vầy. Bức ảnh toát lên sự cô đơn vĩ đại của người mẹ đã hiến dâng cả 9 người con cho đất nước.
"Bất chợt bữa đến nhà, tôi thấy mẹ đang ngồi như thế này. Bà bảo tôi rằng bà vẫn đợi nó về. 9 thằng chắc chắn có một thằng về với tôi, chắc chắn thế".
Hình ảnh mẹ Thứ bên mâm cơm đợi con được Đại tá Trần Hồng ghi lại |
Bức ảnh thứ hai về mẹ Thứ khi bà ở tuổi 100, được thể hiện qua tác phẩm “Giấc mơ của bà mẹ”.
Ông kể đó là giây phút may mắn mà ông ghi lại được khi đến thăm đúng lúc mẹ đang ngủ trưa. Mẹ ngủ trong một giấc mơ êm đềm với hình ảnh người con trai trở về. Đó là di ảnh của người con đã in dấu hình chiếc khăn rằn của mẹ ngả trên ngực con trai như một niềm chia xa trong nỗi nhớ mong.
"Mẹ vẫn sống để chờ đợi con, những cuộc trở về của những người con trong mơ. Mẹ đã được nhìn từng mặt 9 người con trai trở về trong giấc mơ của mình", ông bồi hồi xúc động. Khoảnh khắc quý giá ấy đã làm nên một tác phẩm để đời cho ông về chân dung mẹ.
Một số hình ảnh do Đại tá Trần Hồng chụp lại về những người Mẹ:
Tác phẩm "Giấc mơ của mẹ" |
Mẹ Nguyễn Thị Khánh ở Kiên Giang có 7 người con đều nằm lại chiến trường. Bà ngồi một góc chông chênh, bên một niêu cơm, một con mèo, một khúc cá rán và mấy cọng rau |
Bà và cháu |
Ngày đưa hài cốt con mẹ Cả Tám về quê nhà xã Đồng Nguyên, Tiên Sơn, Hà Bắc |
Hai bà mẹ Việt Nam anh hùng |
Quốc Khánh 2/9 năm nay rơi vào thứ mấy?
Dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, người lao động sẽ được nghỉ từ 2 - 3 ngày liên tiếp. |