Grab đã và đang trở thành một phần không thể thiếu với nhiều người Đông Nam Á, nơi có hơn 205 triệu thiết bị di động đang cài ứng dụng này, theo TechInAsia. Dĩ nhiên, với chiến lược siêu ứng dụng, con số không khiến nhiều người bất ngờ.
Dù vậy, điều đáng nói là không nhiều người để ý đến sự hiện diện ngày càng đậm nét ở mảng dịch vụ B2B của Grab:
Người dùng sử dụng Grab có thể không quan sát thấy những sự thay đổi đang âm thầm diễn ra. Dù vậy, chúng có những tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của Grab.
Phân tích của TechInAsia cho thấy mảng quảng cáo (Grab Ads) có thể mang lại thêm 245 triệu USD doanh thu cho Grab. Song "kì lân" này có những mỏ vàng tiềm năng khác.
Amazon Web Services (AWS) là đơn vị dẫn đầu trong cung ứng dịch vụ điện toán đám mây trên toàn cầu. Ban đầu, AWS ra đời với mục đích đáp ứng chính nhu cầu của Amazon. Sau đó, AWS được bán cho cả các đơn vị thứ ba và nhanh chóng trở thành một nguồn thu ấn tượng trong bảng cân đối kế toán của Amazon.
Tương tự AWS, Grab Defence là dịch vụ cũng đang mở ra cơ hội để Grab bán các công nghệ của chính mình cho các khách hàng bên thứ ba.
Hoạt động trực tuyến không thể tránh khỏi những kẻ lừa đảo và bản thân Grab đang phải đối mặt với các vấn nạn như làm giả GPS, đặt xe ảo và giả lập các cơ hội để kiếm hoa hồng.
Để đối mặt với vấn đề này, Grab phát triển các mô hình máy học để "phân tích hàng triệu điểm dữ liệu trong thời gian thực để phát hiện các rủi ro lừa đảo hiện hữu và mới phát sinh".
Đông Nam Á đang chứng kiến tăng trưởng mạnh mẽ số lượng người dùng và giao dịch trực tuyến. Báo cáo mới nhất của Google, Temasek, và Bain & Company cho thấy hơn 40 triệu người dùng mới tại Đông Nam Á đã "online" vào năm 2020. Tới năm 2025, nền kinh tế Internet trong khu vực có thể chạm mốc 310 triệu USD.
Tỉ lệ người dùng trực tuyến và hoạt động trực tuyến tăng mạnh cũng tỉ lệ thuận với hiệu ứng phụ đến từ kẻ xấu.
Ở Singapore, rủi ro từ lừa đảo mật khẩu OTP tăng 33 lần trong năm 2019 so với một năm trước đó.
Khách hàng của ngân hàng truyền thống được phục vụ thông qua các kênh kiểm soát chặt chẽ, ví dụ như chi nhánh ngân hàng và ATM. Dù vậy, các ngân số đang phục vụ khách hàng qua các hạ tầng họ không thể kiểm soát. Tương tác với khách hàng qua điện thoại di động trong môi trường của khách là các yếu tố hoàn toàn có thể khiến rủi ro tấn công tăng cao hơn.
Dù có nhiều tiềm năng, số lượng khách hàng tiếp cận Grab Defence vẫn khá hạn chế ở thời điểm hiện tại.
Grab nói với TechInAsia rằng Grab Defence, ra mắt năm 2019, hiện đang được một công ty thanh toán điện tử sử dụng và một nhà cung cấp dịch vụ logistics thử nghiệm.
Kì lân Singapore cũng cho biết đang đàm phán để trở thành đối tác với "nhiều công ty mảng thương mại điện tử, giao hàng và gọi xe bên ngoài Đông Nam Á".
Mảng kinh doanh phòng chống gian lận có thể giúp Grab vươn xa ra khỏi khu vực đang hoạt động.Thông qua quỹ Vision Fund, SoftBank đang có cổ phần của nhiều công ty giao hàng và gọi xe trên toàn cầu như Ola (Ấn Độ) hay Rappi (Mỹ Latinh). Đây cũng là lúc Grab hưởng lợi nhờ nằm trong hệ sinh thái của SoftBank.
Nhìn xa hơn, quản lí lừa đảo, giảm lận cũng là một lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng lớn bởi những khách hàng tương lai của Grab cũng chia sẻ đang gặp phải thách thức tương tự.
Grab không hài lòng với việc chỉ cung cấp công cụ phòng chống rủi ro cho mảng gọi xe và giao đồ ăn. Tháng trước, công ty hợp tác với công ty rủi ro tài chính Jewel Paymentech để kết hợp và đưa công nghệ chống rủi ro của mình lên các dịch vụ ngân hàng số.
Jewel Paymentech giúp các công ty dịch vụ tài chính thực hiện đánh giá, kiểm soát các đối tác mua bán. Ví dụ, trước khi ngân hàng lắp cổng thanh toán thẻ tín dụng cho một cửa hàng, ngân hàng cần đảm bảo chủ cửa hàng đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định. Jewel Paymentech cũng dùng công nghệ để dự đoán và quản trị xác xuất xảy ra gian lận.
Ông Sean Lam, CEO Jewel Paymentec, khẳng định hợp tác giữa công ty của ông và Grab có thể giúp kết hợp giữa an ninh số và quản trị rủi ro số của các ngân hàng. Những công việc này trước đó cần sự tham gia của nhiều phòng ban khác nhau.
Điểm yếu bảo mật số là điểm yếu cho phép kẻ xấu chiếm quyền truy cập dữ liệu hoặc kiểm soát hệ thống máy tính. Trong khi đó, lừa đảo là hành vi chiếm đoạt hàng hóa và dịch vụ bất hợp pháp.
Hiện nay, ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, gian lận thực hiện thông qua các điểm yếu bảo mật số. Ví dụ, kẻ xấu phát hiện điểm yếu trong trang đăng nhập hệ thống ví điện tử của quản trị viên. Thông qua đó, kẻ xấu có quyền lấy đi thông tin thẻ tín dụng trên hệ thống và sau đó rao bán để lấy tiền.
Các công ty thường có hai đội ngũ (bảo mật công nghệ thông tin và quản trị rủi ro lừa đảo). Họ sử dụng 2 hệ thống khác nhau và điểm yếu xảy ra khi kẻ xấu thâm nhập cả hai cùng lúc.
Công ty nghiên cứu thị trường LexisNexis ước tính chi phí lừa đảo, gian lận chiếm 1,56% doanh thu của các công ty dịch vụ tài chính Châu Á Thái Bình Dương.
Áp dụng tỉ lệ trên với doanh thu ngân hàng Châu Á Thái Bình Dương đạt 1,6 nghìn tỉ USD (theo McKinsey), chi phí gian lận, lừa đảo ở khu vực có thể chạm mốc 25 tỉ USD..
GBG, một chuyên gia công nghệ ở mảng quản trị rủi ro và tuân thủ, khảo sát 324 đơn vị và đưa ra con số ngân sách trung bình 83,3 triệu USD để mua các công nghệ phòng chống rủi ro mới trong năm 2020 – 2021. Cần nhớ rằng bên cạnh các rủi ro về tài chính, gian lận, lừa đảo còn ảnh hưởng đến danh tiếng của ngân hàng trong mắt đơn vị quản lý và khách hàng.
Dù cơ hội là rõ ràng, con đường phía trước cho Grab Defence không bằng phẳng. Sân chơi quản trị lừa đảo, gian lận hiện cũng đã khá đông đúc.
Các đối thủ của Grab bao gồm Jumio, một công ty cung cấp dịch vụ cho 6 trong số các ngân hàng hàng đầu ở Philippines. Một đối thủ khác là mạng lưới Istari ( từng nhận vốn đầu tư từ Temasek) bao gồm 7 công ty bảo mật nổi tiếng.
Grab vẫn rất tự tin vào khả năng cạnh tranh bằng "thông tin không ai có". Trong trường hợp Grab Defence có thể tạo ra doanh thu cho Grab, công ty sẽ đứng trước cơ hội đạt mức định giá tốt hơn khi thực hiện IPO. Đó có lẽ cũng là lí do mà Grab đẩy mạnh mảng B2B trong thời gian trở lại đây.