Theo đó, thành phố sẽ bổ sung 9 khu công nghiệp với diện tích 2.911 ha triển khai trong giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, phương án phát triển cụm công nghiệp năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã gửi văn bản xin ý kiến Bộ Công Thương về kết hoạch dự kiến thành phố bổ sung 174 cụm công nghiệp, tổng diện tích 5.824 ha.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành UBND các huyện, thị xã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, căn cứ quy định của pháp luật thực hiện song song các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo đủ điều kiện khởi công các cụm công nghiệp trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 cho phù hợp với quy định mới.
Cùng đó, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành tập trung đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục về xác nhận nghĩa vụ ký quỹ, giao đất thực hiện dự án... để chủ đầu tư có đủ điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp (chỉ trong vòng thời gian ngắn vừa qua, thành phố đã khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 7 cụm công nghiệp).
Ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: UBND thành phố chỉ đạo Sở Công Thương, các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định, điều chỉnh tiến độ dự án và các nội dung khác trong quyết định thành lập cụm công nghiệp theo đề xuất của chủ đầu tư cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực tế triển khai dự án.
Thành phố cũng quyết liệt chỉ đạo giải quyết các vướng mắc kéo dài trong quá trình triển khai các cụm công nghiệp. Cụ thể là giải quyết dứt điểm đơn tố cáo liên quan đến việc thành lập Cụm công nghiệp CN2, huyện Sóc Sơn; hoàn thiện thủ tục chấm dứt dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Sóc Sơn để tiếp tục kêu gọi đầu tư.
Đồng thời, tiếp tục kêu gọi đầu tư Cụm công nghiệp Bắc Vân Đình, huyện Ứng Hòa; chỉ đạo giải quyết kiến nghị về việc chuyển nhượng dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp CN3 giữa Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng UDIC - Công ty TNHH một thành viên và Công ty cổ phần Dược phẩm Vimedimex 2. Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện điều chỉnh dự án Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên, huyện Thanh Oai để Chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Theo UBND thành phố thì tới đây sẽ đẩy nhanh tiến độ trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó có quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện các quy định tại các Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp giúp đẩy nhanh tiến độ thành độ thành lập mới các khu, vụm công nghiệp trên địa bàn.
Thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển các khu công nghiệp theo nội dung đề án thành lập từ 2-5 khu công nghiệp mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, đảm bảo tiến độ, hiệu quả.Thành phố tiếp tục đôn đốc chỉ đạo khởi công các các cụm công nghiệp còn lại trên địa bàn hoàn thành trong năm 2024, chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng đưa các cụm công nghiệp mới vào hoạt động; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị liên quan để tổ chức triển khai thực hiện quản lý nhà nước về khu, cụm công nghiệp và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn;
UBND TP Hà Nội sẽ quyết tâm thực hiện trong 6 tháng, tổ chức các hội nghị tháo gỡ khó khan định kỳ hoặc đột xuất cho doanh nghiệp. xây dựng Đề án chuyển đổi công tác quản lý, kinh doanh, khai thác hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện sang Doanh nghiệp.
TP Hà Nội cũng đang có nhiều đề xuất đối với Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 để Thành phố triển khai thành lập/mở rộng các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hà Nội đề nghị sớm đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với nội dung Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và hướng dẫn thực hiện khi Nghị định có hiệu lực.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP Hà Nội đề nghị hướng dẫn các quy định mới liên quan đến đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Luật Đất đai năm 2024. UBND TP Hà Nội cũng đề xuất Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể điều kiện để được cấp Giấy phép xây dựng tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đảm bảo tính thống nhất.
TP Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, vốn đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp 139 triệu USD và trên 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt gần 100%.