Hàng chục nghìn hộ kinh doanh sắp dừng nộp thuế khoán

Khoảng 37.000 hộ, cá nhân kinh doanh sẽ chuyển sang nộp thuế theo doanh thu thực tế từ ngày 1/6, thay vì hình thức khoán như hiện tại.

Theo Nghị định 70, từ 1/6, các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm thuộc một số ngành nghề (ăn uống, khách sạn, bán lẻ, vận tải hành khách, thẩm mỹ, vui chơi giải trí...) sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.

Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là loại hóa đơn được lập trực tiếp tại điểm bán hàng (quầy thu ngân), thông qua máy tính tiền có kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan thuế sẽ nắm được doanh thu thực tế của các hộ, cá nhân kinh doanh này. Từ đó, doanh thu của các hộ, cá nhân kinh doanh sẽ được xác định lại, có thể bị điều chỉnh, thay vì "mức khoán" đang áp dụng.

Số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy đến cuối 2024, cả nước có 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, đóng góp 25.953 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Trong số này, có gần 2 triệu hộ đang áp dụng phương pháp thuế khoán. Mức thuế bình quân hàng tháng của các hộ kinh doanh này trong quý I chỉ khoảng 700.000 đồng mỗi tháng.

Dự kiến có khoảng 37.000 hộ, cá nhân kinh doanh đang nộp thuế theo hình thức khoán sẽ phải chuyển đổi hình thức. Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp việc quản lý thuế minh bạch hơn với cả cơ quan thuế và hộ, cá nhân kinh doanh.

Bởi lâu nay, thuế khoán thường được ấn định dựa trên tham mưu của "hội đồng tư vấn thuế xã phường", gồm cán bộ thuế, ban quản lý chợ và chính quyền địa phương. Song theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, việc đưa ra một mức thuế không phụ thuộc vào doanh thu ít hay nhiều, dẫn đến trường hợp bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế. Chưa kể, quy định này lâu nay vẫn được cho là "vùng xám của quá trình quản lý thuế", bởi có sự nghi ngại "cắt lửa vầng trăng chia chác lợi ích".

Hoá đơn được in từ máy tính tiền tại một quán cà phê, ngày 24/5. (Ảnh: Phương Dung).

Song quy định này cũng khiến nhiều hộ kinh doanh nhỏ, nhất là trong lĩnh vực ẩm thực (F&B), lo lắng. Nói với VnExpress, ông Trần Khải Minh Nhật, Phó chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP HCM (FBA), nhìn nhận đây là giai đoạn quan trọng của quá trình chuyển đổi số trong quản lý kinh doanh, đặc biệt với hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực ẩm thực - dịch vụ ăn uống.

"Với Nghị định 70, việc áp dụng hóa đơn điện tử có mã từ máy tính tiền không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc", ông Nhật nói. Theo Phó chủ tịch Hội FBA, điều này tạo không ít thách thức về mặt nhận thức, năng lực tiếp cận công nghệ và chi phí vận hành, đặc biệt với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Tuần qua, FBA có tổ chức hội nghị để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho các thành viên về Nghị định 70. Song theo hiệp hội này, các hộ kinh doanh hiện vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng và chưa kịp thích nghi với các quy định mới.

Chị Nguyễn Minh Thúy, chủ một quán phở tại Hà Đông (Hà Nội) cho biết trước nay, chị vẫn tự làm đồ ăn và tính tiền cho từng khách, không có thu ngân hay kế toán để ngồi một chỗ nhập máy. "Việc sử dụng phầm mềm bán hàng liên quan nhiều tới công nghệ nhưng tôi chưa quen việc này, sợ sẽ làm sai dẫn tới bị phạt", chị lo lắng.

Ngoài ra, chị Thúy cũng băn khoăn về sự cần thiết của việc xuất hóa đơn từng lần bởi "nhiều khách chỉ ăn một bát phở 50.000-60.000 đồng không có nhu cầu lấy hóa đơn".

Tương tự, tại một hội thảo tuần qua, người sáng lập chuỗi bún đậu với 17 chi nhánh tại TP HCM, cho biết chuỗi đang hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh và mỗi chi nhánh đang nộp thuế khoán từ 1,5 - 3 triệu đồng mỗi tháng. Bà dự tính từ tháng 6, nếu tính theo doanh thu ghi nhận từ máy tính tiền, số thuế phải nộp có thể tăng gấp 2 - 3 lần.

Theo bà này, chỉ các chi nhánh có doanh thu cao, lợi nhuận tốt mới có thể tiếp tục vận hành hiệu quả. Các chi nhánh còn lại có thể sẽ phải cân nhắc chuyển sang mô hình doanh nghiệp để chỉ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp khi có lãi. Tuy nhiên, bà cũng lo lắng mô hình doanh nghiệp sẽ phát sinh nhiều chi phí, chịu chế tài cao hơn so với hộ kinh doanh.

ThS Nguyễn Ngọc Tịnh - Phó chủ tịch Hội Tư vấn và Đại lý thuế thành phố (HTCAA), Phó giám đốc Công ty TNHH Kiểm Toán DFK Việt Nam, nhìn nhận một số quy định khiến nhiều chủ quán ăn hoang mang như việc yêu cầu bắt buộc sử dụng máy tính tiền, thời điểm kê khai thuế, truyền dữ liệu, các mức phạt nếu không tuân thủ...

"Có chủ quán phải tạm đóng quán vài ngày để định thần lại vì có quá nhiều điều mới mẻ", ông Tịnh nói, cho rằng các hộ kinh doanh vốn chỉ quen bán hàng và đóng thuế khoán, giờ phải lo máy móc, sổ sách kế toán nên tâm lý lo lắng là điều dễ hiểu.

Theo ông Tịnh, các hộ kinh doanh cũng lo ngại về việc khai báo thuế, ghi sổ kế toán và lập chứng từ - vốn phức tạp, mất thời gian và họ không đủ năng lực tự thực hiện. Họ cũng phải đầu tư thiết bị, phần mềm, trong khi doanh thu và lợi nhuận không tăng, có thể dẫn đến giảm lợi nhuận thực tế.

Dù vậy, giới chuyên môn cho rằng hộ, cá nhân kinh doanh không nên lo ngại thái quá với quy định mới. Theo ông Nguyễn Văn Được, việc kê khai ở đây chỉ là thực hiện đầy đủ hóa đơn, chứng từ và chế độ kế toán đơn giản, không phải thực hiện giống với tổ chức, doanh nghiệp. Tức là, cách tính thuế vẫn là doanh thu nhân với tỷ lệ quy định, nhưng điểm mới là doanh thu tính thuế sẽ được xác định thực tế, không phải một mức khoán như trước kia.

Ông Được cũng cho rằng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198 của Quốc hội cũng đã yêu cầu tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nên tới đây chính sách thuế có thể sẽ sửa phương pháp nộp thuế cho phù hợp với thực tế.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tịnh trấn an các hộ kinh doanh "không nên lo lắng nếu không làm gì sai". Ngược lại, theo ông, việc minh bạch hoạt động kinh doanh thông qua máy tính tiền sẽ mang lại nhiều lợi ích, như loại bỏ hàng hóa không rõ nguồn gốc, cạnh tranh công bằng, bảo vệ người làm ăn nghiêm túc. Việc minh bạch doanh thu còn giúp chủ hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh, thay vì phải dùng sổ đỏ thế chấp như trước đây.

Nhằm giúp các hộ kinh doanh chuyển đổi đúng hạn, ông Dương Thanh Đảo, Phó chủ tịch Truyền thông FBA, cho rằng các hiệp hội ngành nghề cần tăng vai trò làm cầu nối giữa nhà quản lý, chuyên gia tư vấn thuế, các đơn vị giải pháp và cộng đồng hộ kinh doanh để đồng hành cùng cộng đồng kinh doanh trong giai đoạn chuyển đổi.

Song song đó, các hiệp hội ngành hàng cần đẩy mạnh truyền thông, giúp nhóm hộ kinh doanh cá thể nâng nhận thức, hiểu đúng, đủ và tự tin lựa chọn giải pháp phù hợp với mô hình kinh doanh. "Khi nắm vững chính sách và tiếp cận đúng giải pháp, họ có thể vận hành hiệu quả, tránh sai sót và bị động", ông Đảo nói.


Diễn đàn Đầu Tư Việt Nam 2025 - Mid-Year Update do trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào lúc 13h30 ngày 03/06/2025 tại Khách sạn L7 West Lake Hanoi by LOTTE, TP Hà Nội.

Sự kiện quy tụ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia tài chính, các định chế tài chính, đại diện từ các doanh nghiệp, ngân hàng, các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường.

Trong giai đoạn thị trường có nhiều thay đổi với những tác động chính sách, Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

BTC dành số lượng vé hạn chế cho độc giả Việt Nam Mới. Vui lòng đăng ký và hoàn thành khảo sát tại đây để xác nhận tham dự.

chọn
Đề xuất phương án khơi thông dòng vốn ách tắc theo lượng bất động sản khổng lồ thế chấp ở ngân hàng
Các chuyên gia đưa ra những phương án để giải bài toán phức tạp mà thị trường đang phải đối mặt là việc xử lý khối tài sản bảo đảm khổng lồ là bất động sản kẹt trong hệ thống ngân hàng.