Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 12 năm nay, cả nước có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 18,4% so với tháng 11. Số vốn đăng ký là 356,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 73.000 người, lần lượt tăng 25,3% về vốn đăng ký và giảm 39% về số lao động so với tháng trước.
Vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 12 đạt 33,4 tỷ đồng, tăng 53,4% so với tháng 11 và tăng 144,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, trong tháng 12, Việt Nam còn có 5.358 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 0,8% so với tháng 11 và tăng 54,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2,2 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1,04 triệu lao động, lần lượt giảm 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 29,2% về vốn đăng ký và giảm 16,9% về số lao động so với năm 2019.
Vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 là 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm trước. Nếu tính cả 3,3 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 39,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là gần 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 39,3% so với năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 44,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019. Kết quả này nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 lên 179 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,8% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Song, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, năm 2020 có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước.
Cụ thể, 101,7 nghìn doanh nghiệp trên bao gồm: 46,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17,5 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%. Trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch lên nền kinh tế, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo trong quý IV/2020 lại khá khả quan.
Có 40,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý cuối cùng của năm 2020 tốt hơn so với quý trước đó, trong khi chỉ 24,7% đánh giá gặp khó khăn và 34,7% cho rằng tình hình kinh doanh ổn định.
So với quý IV/2020, 42,8% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên trong quý I/2021 và 38,2% doanh nghiệp đánh giá môi trường sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Như vậy, đánh giá tích cực chiếm 81%. Chỉ 19% doanh nghiệp dự báo hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn hơn trong quý I/2021.