Dưới đây là một số đầu số đường dây nóng mà người dân cần nắm cũng như các tình huống, lời khuyên của cơ quan chức năng trước những sự cố khẩn cấp.
Coi chừng trộm viếng nhà
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết dịp tết là thời điểm phức tạp về tình hình an ninh trật tự, Công an TP đã có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự cho người dân, đồng thời người dân cần phải đề cao cảnh giác những trường hợp sau:
Thứ nhất, khi tham gia giao thông phải thận trọng, nhường nhịn nhau, không được uống rượu bia quá chén dẫn đến thiếu kiểm soát, gây tai nạn giao thông. Công an TP triển khai lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Thứ hai, khi người dân về quê ăn tết, đi du lịch thường để lại tài sản trong nhà, đặc biệt để tài sản trong két sắt. Công an TP nhiều lần nhắc nhở két sắt được xem như “miếng mồi ngon” cho tội phạm khi liên tục xảy ra những vụ trộm két sắt có giá trị tài sản lớn.
Thứ ba, khi ra khỏi nhà trong nhiều ngày nên gửi nhà mình cho hàng xóm, cộng đồng dân cư trông coi, hỗ trợ nhau. Công an TP cũng đã thông báo cho công an các quận huyện nhắc nhở người dân phải nâng cao cảnh giác, hỗ trợ nhau cho những gia đình về quê ăn tết.
Thực tế trong dịp tết có tình trạng tội phạm thản nhiên đưa xe tải đến dọn nhà, hàng xóm phát hiện nhưng tưởng dọn nhà thật nên không phản ứng gì.
Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, khi phát hiện những tình huống liên quan đến an ninh trật tự (như trộm cắp, cướp giật, tố giác tội phạm...) người dân có rất nhiều kênh thông tin kết nối để phản ảnh nhằm xử lý tình huống nhanh nhất, có hiệu quả nhất.
Cụ thể, người dân cần phải nắm một số đầu mối thông tin để có thể trực tiếp đến phản ảnh hoặc điện thoại thông tin cho cảnh sát khu vực, các đội dân phòng, công an phường, UBND phường, công an quận, UBND quận.
“Ngoài ra, người dân còn có thể gọi, phản ảnh cho cảnh sát 113 hay đường dây nóng của Công an TP theo số 083.9201605, 069.3187344” - đại tá Quang nói.
Sự cố điện nước, giao thông: gọi 1022
Ngoài các số điện thoại nóng trên, theo ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong dịp tết người dân cần phản ảnh liên quan đến vấn đề hạ tầng như giao thông, điện nước, cây xanh... có thể gọi vào tổng đài tiếp nhận sự cố hạ tầng kỹ thuật 1022.
Tổng đài này hoạt động 24/24 giờ kể cả thời gian tết. Từ tổng đài này, các sự cố, phản ảnh của người dân sẽ được nhân viên trực tiếp nhận và chuyển thông tin đến các bộ phận, đơn vị liên quan để giải quyết ngay.
Khi chúng tôi gọi đến số 1022, một nhân viên trực tổng đài 1022 tiếp nhận thông tin về xe buýt và cung cấp thêm: trong thời điểm Tết Nguyên đán, hầu như các tuyến xe buýt đều hoạt động xe gần như bình thường.
Riêng trong ngày 30 tháng chạp, hoạt động xe buýt được duy trì đến 12h, trừ các tuyến số 1, 20, 65, 74, 90 và 96 hoạt động đến 17g. Mùng 1 tết, xe buýt hoạt động từ 8h-17h, những ngày sau đó hoạt động bình thường.
Cũng theo nhân viên này, những ngày tết trước đây vẫn có tiếp nhận phản ảnh của người đi xe buýt về nhiều vấn đề như: thái độ phục vụ, xe ghé không đúng bến, không xé vé... Những thông tin phản ảnh này đều được gửi về đơn vị phụ trách xe buýt kiểm tra xử lý.
Đối với những lĩnh vực khác, ông Bùi Xuân Cường cho biết theo phương án phục vụ Tết Nguyên đán, các đơn vị liên quan đến các lĩnh vực tiếp nhận của tổng đài 1022 đều cử người trực, giải quyết các sự cố liên quan.
Cảnh giác cháy nổ
Đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết để đón xuân vui tết thật bình yên, người dân luôn nâng cao ý thức, cảnh giác phòng ngừa cháy nổ ở nơi sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất...
Mỗi gia đình, cơ sở kinh doanh phải trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ (bình chữa cháy xách tay, bình khí CO2, bình bột...) để khi có sự cố thì xử lý kịp thời.
Người dân cần chú ý quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt. Khi sự cố xảy ra phải hết sức bình tĩnh, sử dụng những kỹ năng để thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, chẳng hạn leo lên mái nhà, vượt ra bancông để qua nhà kế bên.
Đối với những hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất cần sắp xếp hàng hóa khoa học, đúng quy định, đảm bảo an toàn về khoảng cách, ngăn ngừa hỏa hoạn, cháy lan.
Đại tá Bửu lưu ý khi xảy ra hỏa hoạn phải báo ngay qua số điện thoại 114. Đó là thời gian vàng, bởi nhanh chừng nào thì lực lượng PCCC càng tới sớm chừng đó, khi đó hiệu quả rất cao: “Lực lượng cảnh sát PCCC luôn tăng cường chế độ thường trực chiến đấu 24/24 giờ để xử lý tốt nhất các tình huống”.
113, 114, 115 đã được liên thông Đối với một số đầu số đường dây nóng khác, một cán bộ Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM cho biết hiện nay ba đầu số khẩn cấp là: 113 (cảnh sát phản ứng nhanh), 114 (báo cháy, cứu hộ, cứu nạn), 115 (cấp cứu y tế) đã được liên thông. Trường hợp người dân muốn báo thông tin cấp cứu y tế thay vì gọi đúng là 115 nhưng gọi vào số 113 cũng sẽ được tiếp nhận, đưa thông tin về tổng đài 115 và ngược lại. Hiện TP đang chuẩn bị các bước thành lập trung tâm hợp nhất các đầu số trên. Trung tâm này sẽ có các tính năng cần thiết như định vị tự động, tích hợp hệ thống bản đồ số hỗ trợ công tác điều hành tác chiến, tích hợp hình ảnh từ hệ thống camera giám sát an ninh... nhằm nâng cao năng lực xử lý thông tin khẩn cấp, cứu nạn cứu hộ. Đối với tỉnh thành khác, khi người dân cần giúp đỡ trong những vụ việc mang tính khẩn cấp liên quan đến an ninh trật tự thì gọi 113; báo cháy, cứu hộ, cứu nạn gọi 114 và cần cấp cứu y tế gọi 115. |
SƠN BÌNH - QUANG KHẢI