Từ sau Tết Nguyên đán, hàng chục hộ dân ở xóm Núi (thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang) trở lại nơi cách đây hơn 3 tháng xảy ra trận sạt lở để xây dựng nhà cửa. Vụ lở núi từng cướp đi sinh mạng của 12 người và làm 170 ngôi nhà bị sập, hư hỏng.
Đã gần 12h, trời nắng như đổ lửa nhưng vợ chồng anh Lê Văn Sửu và đứa con trai lớn vẫn tất bật đào đất, trộn hồ để sửa lại ngôi nhà cấp bốn bị hư hại, bỏ hoang 3 tháng nay.
Anh Sửu nói bản thân vẫn còn may mắn hơn 12 người khác ở xóm Núi trong buổi sáng định mệnh đó. Cả nhà thoát chết trong gang tấc khi con nước cao mấy chục mét, tràn qua nóc nhà.
Sau lệnh cấm ở lại, cả nhà đi thuê trọ ở phường Phước Long với giá 1,2 triệu/tháng chưa bao gồm tiền điện nước.
Anh Lê Văn Sửu đang sửa chữa ngôi nhà của mình sau 3 tháng đi ở trọ. (Ảnh: An Bình).
Anh Lê Văn Sửu đang sửa chữa ngôi nhà của mình sau 3 tháng đi ở trọ. Ảnh: An Bình. |
3 tháng trời, 5 con người chen chúc trong căn phòng trọ chừng 12 m2. Ban ngày, anh và đứa con trai lớn đi khắp nơi ở Nha Trang tìm việc làm.
Sau Tết, anh Sửu bàn với vợ con quay về sửa sang lại nhà để ở vì không còn tiền thuê trọ.
“Nguy hiểm cũng phải về vì tiền ở trọ 1,5 triệu/tháng gia đình không kham được. Mới hết Tết nên chưa ai thuê đi làm, chả biết bấu víu vào đâu”, anh Sửu tâm sự.
Không riêng gì anh Sửu, ở xóm Núi, nhiều gia đình cũng quay về để sửa lại nhà. Bà Nguyễn Thị Mười (40 tuổi) chạy vạy khắp nơi vay được gần 10 triệu đồng mua vật liệu xây lại ngôi nhà cấp bốn để ở.
“Gọi là nhà cho sang chứ xây 4 bức tường rồi lợp tôn, mua thêm 2 cánh cửa lắp vào để che chắn lối ra vào. Chỉ mất tiền vật liệu còn công thì anh em trong nhà đứng ra làm giúp. Tài sản bị nước lũ cuốn trôi hết, giờ muốn thuê trọ cũng khó vì tiền không còn", bà Mười buồn rầu.
Trận lũ quét, lở núi kinh hoàng sáng 18/11/2018 vẫn còn ám ảnh người dân xóm Núi. Những hôm nghe đài dự báo có mưa thì đêm đó cả xóm Núi chả ai ngủ yên.
Bà Nguyễn Thị Mười vay mượn được gần 10 triệu đồng rồi nhờ anh em xây lại ngôi nhà bị sập. (Ảnh: An Bình). |
Sau thiên tai, chính quyền vận động người dân không nên quay về nơi ở cũ. Tuy nhiên, với những gia đình này nếu không quay về, họ chỉ có cách thuê nhà để ở.
Nhà thuê dù rẻ cũng có giá từ 1,5-2 triệu đồng/tháng, trong khi người dân vùng sạt lở chỉ biết trông chờ vào số tiền đi làm thuê ít ỏi.
“Hết cách rồi mới quay về chứ có chỗ ở đàng hoàng, an toàn thì dại gì về đây. Chúng tôi chỉ mong có nơi để an cư, tập trung làm ăn nuôi con ăn học”, chị Nguyễn Thị Thu Trang cư dân xóm Núi nói.
Người dân ở thôn Thành Phát đa phần làm nghề đi biển với thu nhập bấp bênh. Sau vụ sạt lở núi, UBND TP Nha Trang liên tục họp bàn nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp đưa người dân đến nơi an toàn.
Lãnh đạo UBND TP Nha Trang cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là số lượng dân quá nhiều. Hơn nữa giao đất xong không biết người dân có tiền xây nhà không, hay lại bán cho người khác như những năm trước.
“Hiện thành phố vẫn đang tìm quỹ đất và nghiên cứu các cơ sở pháp lý để ổn định cuộc sống cho các hộ dân”, vị lãnh đạo này nói.
Theo lãnh đạo UBND xã Phước Đồng, địa phương không cho người dân tự dựng lại nhà để tránh rủi ro. Tuy nhiên, cũng rất khó vì chưa có hướng giải quyết chỗ ở cho người dân trong thời gian tới.
Nhiều ngôi nhà được xây mới nằm chênh vênh bên vực sâu sau cơn lũ. (Ảnh: An Bình). |
“Một vài nơi ở xóm Núi chúng tôi cho cắm biển cảnh báo sạt lở, những nơi này nhất quyết không cho dân về sửa hay xây lại nhà vì nguy cơ sạt lở lớn. Còn một số hộ nhà hư hỏng họ tự sửa chữa, xã chỉ cảnh báo chứ không can thiệp được nhiều”, vị lãnh đạo này thừa nhận.
Trong cuộc gặp các hộ dân ở xóm Núi, thôn Thành Phát cuối năm 2018, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết phương án cuối cùng vẫn là di dời dân đến nơi ở mới.
"Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo TP Nha Trang phải tìm ra được quỹ đất, rồi di dời dân đến đó. Song song với xây dựng nhà ở thì phải tạo công ăn, việc làm ổn định, nhất là những người còn trong tuổi lao động", ông Tuân nói.
Xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa. (Ảnh: Google Maps). |