Nữ nhà báo Đinh Hiền nhắn nhủ tới PV trẻ: “Hãy làm báo một cách chân thành, thành công sẽ theo đuổi bạn”. |
Hóa thân “gái chơi” để vào động múa thoát y
Tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ Trường Đại học KHXH và NV, một chuyên ngành không liên quan nhiều đến báo chí, nhưng Đinh Hiền lại chọn theo đuổi báo chí, mơ ước mà theo chị chia sẻ là từ lúc còn học cấp 1, chị đã tưởng tượng có lúc được trở thành nhà báo, tay máy ảnh, tay bút sổ ghi chép. Công tác tại Báo CAND từ năm 2000, trước khi trở thành một phóng viên theo dõi chuyên sâu mảng nội chính thì Đinh Hiền đã tham gia vào mảng phóng sự điều tra xã hội, một lĩnh vực gai góc mà không phải người làm báo nào cũng đủ bản lĩnh để theo đuổi.
Nhớ về những vệt bài điều tra đầu tiên trong đời làm báo, nữ nhà báo Đinh Hiền kể lại: Vào đầu những năm 2000, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, rộ lên tình trạng múa thoát y ở các quán karaoke. Gái nhảy thường là các cô gái hư hỏng, gái mại dâm cũng có, nhưng đặc biệt trong số này rất nhiều người là sinh viên một số trường nghệ thuật, trường múa. Với lợi thế sắc đẹp và hình thể, các cô tổ chức "bay show", sẵn sàng múa thoát y với các động tác khiêu dâm nhằm thỏa mãn thú vui lệch lạc, bệnh hoạn cho những kẻ lắm tiền, nhiều của.
Được sự ủng hộ của tòa soạn, nữ nhà báo Đinh Hiền đã bắt tay vào việc thu thập tư liệu phục vụ bài viết. Thông qua nhiều mối quan hệ bên ngoài xã hội, Đinh Hiền bắt đầu len lỏi được vào các địa điểm tổ chức hình thức múa thoát y.
Vì đây là một hành vi bị cấm, nên những tụ điểm ăn chơi có loại hình này được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, gắt gao. Để có thể lọt qua vòng ngoài cùng, Đinh Hiền đã phải tự hóa thân từ dáng vẻ cho tới cách ăn nói thành “dân chơi”.
Những người bạn đi cùng cũng hỗ trợ chị rất nhiều, phối hợp một cách ăn ý tránh để lộ thông tin. Và một thời gian dài, các quán karaoke ở Cửa Bắc, Thái Hà, Nguyễn Chí Thanh, nhẵn mặt một nhóm khách có tới 6-7 người đàn ông nhưng chỉ có một người là nữ duy nhất, đó là chị Đinh Hiền.
Các cô gái thoát y cũng thân thiết đến mức họ không còn tỏ thái độ kinh ngạc khi thấy một cô gái khác cũng ngồi xem họ múa thoát y, thậm chí còn "bo" bạo tay hơn những vị khách nam.
Một show múa thoát y thường có hai cô gái trẻ tham gia, diễn ra trong vòng 15 phút và được tổ chức trong một phòng riêng phục vụ nhóm khoảng 10 người đổ lại. Thù lao cho các cô gái thoát y dao động từ 2-3 triệu đồng. Thời điểm đó, số tiền vài triệu đồng không phải là nhỏ.
Trước câu hỏi về khoản chi phí đầu tư tác nghiệp chị lo liệu thế nào? Nữ nhà báo Đinh Hiền nở nụ cười: "Lỗ là chính. Nhưng đam mê thì vẫn làm thôi. Chủ yếu vác tiền nhà đi đầu tư. Có những thứ nếu mình cứ lấy tiền bạc ra cân đo, đong đếm thì chắc sẽ chẳng bao giờ thực hiện được”.
Sau nhiều tháng trời thâm nhập, loạt bài nêu lên thực trạng múa thoát y trong các tụ điểm ăn chơi tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác của nữ nhà báo Đinh Hiền được khởi đăng trên báo ANTG giữa tháng và cuối tháng.
Những bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống với tư liệu chân thực đã tạo nên sức tác động lớn trong giới ăn chơi nói riêng và dư luận cả nước nói chung. Với việc vào cuộc của báo chí, các cơ quan chức năng bắt đầu siết chặt hơn về công tác quản lý thực trạng nhức nhối trên. Rất nhiều tụ điểm bị chỉ mặt, đặt tên buộc phải đóng cửa và xử phạt...
Tới những bài viết đầy xúc động về tội phạm
Nữ nhà báo Đinh Hiền trong một lần tác nghiệp vùng cao. |
Trong vài năm trở lại đây, do định hướng của tờ báo, nhà báo Đinh Hiền được phân công theo dõi mảng nội chính. Như nhiều đồng nghiệp từng nói vui rằng, những chỗ nào người ta ghê sợ, tránh ra như cháy nhà, án mạng, tai nạn, đánh nhau… thì những phóng viên nội chính đều có mặt bất kể ngày đêm.
Chia sẻ về những cảm xúc khi đối diện với những tên tội phạm khét tiếng khiến nhiều người khiếp sợ, nhà báo Đinh Hiền nói: “Đó chính là công việc của tôi. Đa phần những tên tội phạm được nhiều người biết tới như: Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện hay nữ sinh sát thủ Kim Anh, Tẩn Láo Lở, tôi đã từng có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện.
Việc đi sâu vào khai thác “phần người” bên trong những sát thủ máu lạnh khiến tôi có nhiều trải nghiệm khó quên. Cõ lẽ hình ảnh Nghĩa, Kim Anh hay Lê Văn Luyện bật khóc trong những giây phút yếu lòng không phải ai cũng có thể chứng kiến. Nhiều đồng nghiệp trẻ thường hỏi tôi: "Gặp họ, chị có ghê không?".
Tôi nói luôn là tôi chưa từng thấy họ ghê. Có thể họ độc ác ở thời điểm phạm tội, đó là lúc phần “con” trong họ trỗi dậy, nhưng tôi luôn nhìn thấy ở họ, ngay cả những kẻ tử tù bị cùm chân trong buồng biệt giam, đều còn một ánh sáng le lói của sự tử tế hiếm hoi còn sót lại. Đó là khi tôi nhắc về gia đình, về vợ con họ bằng những câu chuyện, những lời hỏi thăm giản dị nhất.
Không một kẻ tội phạm nào tôi đã từng tiếp xúc mà không rơi nước mắt khi nhắc tới người thân. Có thể nói đó chính là "điểm yếu" của họ giúp nhà báo khai thác tâm lý nhân vật một cách rõ nét nhất”.
Nói về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong các lần tiếp xúc phạm nhân, nhà báo Đinh Hiền nhớ lại: Cách đây gần 5 năm, trong một lần lên công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, chị đã gặp một tử tù. Anh ta phạm tội giết người.
Thời gian trước khi ra pháp trường của anh ta chỉ còn được tính bằng ngày. Không rõ có phải lâu không có người lên thăm hay không mà anh ta tỏ thái độ lầm lì, chống đối, không muốn tiếp xúc với bất cứ ai.
Tuy nhiên bằng trực giác nghề nghiệp, nhà báo Đinh Hiền vẫn kiên trì với những câu gợi chuyện. Sau nhiều câu thăm hỏi về gia đình, người thân, phạm nhân đó bắt đầu thay đổi thái độ.
Ban đầu, anh ta còn rụt rè, nhưng sau thấy nữ nhà báo cởi mở, chân thành nên anh ta trút bầu tâm sự. Và cuộc đời anh ta, được bổ sung rất nhiều tình tiết không bao giờ có trong hồ sơ, rất đời và rất tình. "Có một điều khiến tôi day dứt nhất, đó là không gửi ảnh của anh ta cho vợ con anh ta, bởi sau chuyến công tác, chiếc máy ảnh bị mất, toàn bộ ảnh chụp trong chuyến công tác đó cũng như nhiều tư liệu quý giá khác đã mất, nên mỗi lần nghĩ lại, tôi vẫn cảm thấy như mắc nợ", Đinh Hiền nói.
“Sau cuộc phỏng vấn đó, anh công an đi cùng bảo tôi: "Chị dũng cảm thật. Nhiều cô cảnh sát xịn hẳn hoi còn chưa chắc dám ngồi ở giường tử tù". Tôi thì thấy mình không giỏi chút nào, mà chỉ nghĩ đơn giản, mọi sự chân thành và tử tế đều chạm được đến trái tim kẻ tội đồ dù kẻ đó đang bị cả xã hội nguyền rủa”, nữ nhà báo Đinh Hiền vui vẻ chia sẻ thêm.
“Giữa công việc và gia đình, tôi luôn cố gắng dung hòa để cuộc sống được cân bằng, thoải mái nhất có thể. Giờ đây, ngoài thời gian rảnh rỗi, tôi cũng làm thêm những công việc buôn bán bên ngoài để kiếm thêm niềm vui”, chị cho biết.
“Tôi thì thấy mình không giỏi chút nào, mà chỉ nghĩ đơn giản, mọi sự chân thành và tử tế đều chạm được đến trái tim kẻ tội đồ dù kẻ đó đang bị cả xã hội nguyền rủa”, nữ nhà báo Đinh Hiền vui vẻ chia sẻ thêm. |