NHNN siết chặt hoạt động mua bán trái doanh nghiệp của ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo thông tư qui định việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của tổ chức tín dụng, chi nhánh, ngân hàng nước ngoài với nhiều qui định mới đáng chú ý. Lũy kế 9 tháng đầu năm, đã có 1.660 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên tổng số 2.220 đợt đăng kí.

Cụ thể, NHNN dự thảo qui định ngân hàng thương mại chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm trước liền kề; trừ trường hợp mua theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo qui định.

Ngoài ra, ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại tổ chức tín dụng mua và tại tổ chức tín dụng khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định mua.

Theo NHNN, qui định này nhằm hạn chế tổ chức tín dụng không kiểm soát được tỉ lệ nợ xấu dưới 3% nhưng vẫn mua bán trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.

Bên cạnh đó, Dự thảo thông tư mới cũng qui định ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ (đảo nợ) của chính doanh nghiệp phát hành.

Lí giải về qui định này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua phát sinh việc TCTD mua TPDN phát hành với mục đích để cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ. Theo đó, trường hợp một đợt phát hành TPDN với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích cơ cấu lại khoản nợ, thì TCTD cũng không được mua TPDN.

Đặc biệt, ngân hàng thương mại sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.

Bản thuyết minh dự thảo cho biết, qua công tác kiểm tra hoạt động của tổ chức tín dụng, NHNN đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng qui mô vốn hoạt động, nhưng thực tế là huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác, để các doanh nghiệp này thực hiện dự án hoặc tiếp tục thực hiện góp vốn, mua cổ phần. Do đó, TCTD khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu, tình hình thực hiện dự án...

Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hà Nội (HNX) cho thấy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, đã có 1.660 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên tổng số 2.220 đợt đăng kí. Giá trị phát hành thành công đạt 303,8 nghìn tỉ đồng, chiếm 64,1% trên tổng giá trị đăng kí phát hành trong 9 tháng.

Khối ngành có qui mô phát hành lớn nhất trong tháng 9 là tổ chức tín dụng, chiếm đến 90,2% tổng giá trị phát hành thành công, với kì hạn phát hành bình quân là 4,21 năm.

Trong khi đó, giá trị phát hành của công ty chứng khoán chiếm 1,58% trên tổng giá trị phát hành với kì hạn phát hành bình quân là 1 năm; các doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản chiếm 1,43% với kì hạn là 5 năm; các doanh nghiệp ngành xây dựng chiếm 1,24% với kì hạn là 3 năm; các doanh nghiệp sản xuất chiếm 0,57% với kì hạn là 2 năm; các doanh nghiệp khác chiếm 4,99% với kìhạn là 2,81 năm...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.