Người Hàn Quốc chưa bao giờ thực sự thích việc nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á phụ thuộc vào tập đoàn công nghệ Samsung. Sự sống động và tràn đầy năng lượng của K-pop được 50 triệu dân Hàn Quốc quan tâm hơn, mà gần đây nhất là "cú nổ" BTS.
Nguyên nhân không phải là vì BTS có thể gia nhập vào hàng ngũ các nhóm nhạc ngoại hiếm hoi như The Beatles và The Monkees đạt thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng của Billboard, mà còn là vì nguồn sinh khí mà BTS đang bơm vào nền kinh tế bị đại dịch vùi dập của Hàn Quốc.
Bản hit mới nhất của BTS - ca khúc "Dynamite", có thể mang lại cho nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á hơn 1,4 tỉ USD. Cuối năm 2019, BTS được ước tính đã đóng góp một con số đáng kinh ngạc là 4,65 tỉ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thường niên của Hàn Quốc.
Thành công của BTS có thể chứng minh định giá hiện tại cho lần lên sàn chứng khoán của công ty chủ quản Big Hit Entertainment sắp tới là không ngoa, Nikkei Asian Review nhận định.
Big Hit dự kiến IPO vào ngày 15/10 nhưng dường như mọi người đổ dồn sự quan tâm vào nhóm nhạc thần tượng 7 thành viên BTS hơn. Nhu cầu của nhà đầu tư với cổ phiếu của Big Hit là cực kì lớn, cao hơn 1.000 lần so với lượng cổ phiếu chào bán.
Đợt IPO của Big Hit thậm chí còn thu hút Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK). Họ đang quan sát cách thị trường tài chính Hàn Quốc cạnh tranh để mua cổ phiếu Big Hit.
Tuy nhiên, câu hỏi đáng quan tâm hơn cả là cơn sốt cổ phiếu chào sàn của Big Hit có ý nghĩa gì với nền kinh tế già cỗi của Hàn Quốc.
BTS biểu diễn ca khúc "Dynamite" tại sân khấu MTV Video Music Awards 2020. (Nguồn: MTV VMAs)
Trước đại dịch Covid-19, "hiệu ứng BTS" gần như là yếu tố duy nhất giúp thúc đẩy hoạt động du lịch trong nước. Hiệu ứng này còn giúp tăng kim ngạch xuất khẩu hàng tiêu dùng khi đội quân người hâm mộ của BTS - ARMY, vét sạch hàng hóa liên quan đến thần tượng và qua đó cải thiện tình hình tài chính của Hàn Quốc.
Hiệu ứng BTS còn kéo giá cổ phiếu của các công ty giải trí đối thủ tăng cao. Ngoài ra, nó cũng thúc đẩy xuất khẩu văn hóa Hàn Quốc, từ phim ảnh, văn học đến thời trang.
Cuối cùng, nỗ lực của CEO Bang Si-hyuk và BTS cũng được đền đáp. Sau thương vụ IPO sắp tới, "bố Bang" sẽ trở thành tỉ phú, còn mỗi thành viên BTS kiếm gần 8 triệu USD.
Nước láng giềng Nhật Bản đang nhìn Hàn Quốc với ánh mắt ghen tị. Nền kinh tế số hai châu Á sở hữu một ngành công nghiệp âm nhạc khổng lồ và đáng tự hào. Năm 1963, ca khúc "Sukiyaki" đạt thành công vang dội khi leo lên hạng nhất Billboard Hot 100, trở thành ca khúc châu Á đầu tiên đạt kì tích này.
Sau năm 1963, J-pop không còn có thể tỏa sáng và tạo tiếng vang trên toàn thế giới như BTS hiện tại. Thậm chí, ngay chính tại Nhật Bản, doanh số đĩa đơn và album của BTS còn đánh bật các nhóm nhạc nam và nữ lớn nhất của đất nước mặt trời mọc.
Tuy nhiên, rủi ro là thành công rực rỡ của K-pop sẽ khiến các nhà lãnh đạo Hàn Quốc lao đao khi ngành hái ra tiền này dừng tăng trưởng.
Theo một cách nào đó, hiện tượng BTS là một mô hình thu nhỏ của các thách thức kinh tế lớn mà Hàn Quốc phải đối mặt.
Tương tự sự suy tàn của nền kinh tế Hàn Quốc, 7 chàng trai trẻ tuổi và ăn ảnh của BTS có lẽ sẽ già và âm nhạc của nhóm có thể không còn hợp thị hiếu của thị trường âm nhạc Hàn Quốc, khi mà các nhóm nhạc trẻ trung hơn dần xuất hiện. Các thành viên BTS cũng phải thực thiện thêm 18 tháng nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Big Hit cũng đang gần như chỉ phụ thuộc vào "gà cưng" BTS, giống như việc nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào các chaebol. Theo tờ JoongAng Ilbo, doanh số bán hàng của BTS chiếm hơn 97% doanh số của Big Hit trong năm 2019.
Niềm tự hào quốc gia BTS và các nhóm nhạc K-pop khác cũng đang có vấn đề tương tự như Samsung - một trong các trụ cột của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.
BTS cũng không phát minh ra bất kì ý tưởng mới nào mà tài năng của nhóm thì đã quá quen thuộc với người hâm mộ của các nhóm nam nổi tiếng như Backstreet Boys của Mỹ hay Arashi của Nhật Bản.
Tương tự, Samsung vẫn đang tận dụng các phát minh của Apple mà chưa khiến cộng đồng công nghệ toàn cầu kinh ngạc bởi một sản phẩm đột phá nào.
Điều này cũng đúng với hơn 40 tháng cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in. Ông Moon hứa sẽ tạo ra một nền kinh tế sáng tạo hơn để leo cao trên bảng xếp hạng đổi mới toàn cầu.
Tuy nhiên, tương tự những người tiền nhiệm, Tổng thống Moon vẫn tiếp tục "phát các bản hit thành công nhất" của Hàn Quốc: tạo điều kiện thuận lợi để các tập đoàn như Samsung tăng xuất khẩu ra nước ngoài và đầu tư trong nước. Ngoài ra, vì phụ thuộc nhiều vào các đợt hạ lãi suất của BoK hơn là cải cách cơ cấu, các chính sách của ông Moon Jae-in mang tính phô trương hơn là có tác động thực tiễn.