Ngày 18.1, chúng tôi gặp được chàng tiến sĩ trẻ này khi anh cùng ê-kíp đưa robot được đặt tên là Cô Ba đến nhà hàng Cơm tấm Cali trình diễn cho thực khách xem. Trong những thực khách hôm đó, có đoàn khách đặc biệt hơn 20 người. Họ là những quản lý, chủ nhà hàng ở Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Myanmar... đến nhà hàng Cơm tấm Cali với mục đích chính là tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực ẩm thực và xem robot phục vụ nhà hàng do nhóm sáng chế của tiến sĩ Nguyễn Bá Hải trình diễn.
Robot Cô Ba được thiết kế với hình dáng một cô gái, gương mặt trông rất “Tây”, có chiều cao 1,65m. “Cô Ba” có thể giới thiệu về nhà hàng, mang thức ăn đến cho khách, mời khách ăn, chúc khách ngon miệng, cảm ơn và trở về vị trí tiếp nhận món ăn để tiếp tục công việc phục vụ của mình. Khi di chuyển, “Cô Ba” có thể xin đường khi bị cản trở. Đặc biệt, khi thực khách nào táy máy sờ vào vùng nhạy cảm như ngực, eo, mông của "Cô Ba" thì "Cô Ba" sẽ thốt lên câu "Thôi. Má em la".
Buổi trình diễn khả năng phục vụ của robot Cô Ba đã đem lại rất nhiều thú vị cho thực khách. Một số người cho rằng mặc dù đã từng chứng kiến những robot phục vụ nhà hàng công nghệ cao ở một số quốc gia, nhưng họ rất ấn tượng robot Cô Ba của Việt Nam.
Anh Jath đến từ Myanmar cho biết: “Quả thật tôi rất thích thú khi thấy có một robot phục vụ tại đây lại do một kỹ sư trẻ của Việt Nam chế tạo. Tôi muốn có nhiều robot như vậy phục vụ nhiều hơn ở các nhà hàng Việt Nam và ngay cả đất nước tôi nữa”. Tuy nhiên, Jath cũng thẳng thắn nhận xét thêm: “Robot Cô Ba nếu có thêm những cải tiến để trở nên linh hoạt hơn thì rất tuyệt”. Một số thực khách khác thì nhận xét “Cô Ba” của Việt Nam sao trông mắt, mũi, tóc... Tây quá.
Robot Cô Ba đang phục vụ thực khách |
Để robot Cô Ba hoạt động được như vậy, theo tiến sĩ Hải, phải dùng đến 40 loại linh kiện chính và trang bị cảm biến quang, cảm biến siêu âm, cảm biến từ trường. Một Robot Cô Ba có giá khoảng 65 triệu đồng. Một số người cho rằng giá tiền cho một robot như thế là quá “bèo”, tiến sĩ gốc Thanh Hóa này trả lời rằng: Anh muốn nhiều nhà hàng ở Việt Nam dễ dàng mua được robot phục vụ mà không quá lăn tăn chuyện đầu tư. Thậm chí, với số tiền 35 triệu đồng, các nhà hàng cũng có thể trang bị một robot phục vụ phiên bản thấp nhất do nhóm anh sáng chế.
Khi chúng tôi hỏi để hoàn thành một robot như “Cô Ba” phải tốn bao nhiêu thời gian, tiến sĩ Hải cho biết “1 tháng làm 100 robot là bình thường”, khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhưng khi được tiến sĩ 35 tuổi này giải thích rằng chuyện đó hoàn toàn nằm trong tầm tay của anh và cộng sự. Vì điều rất dễ hiểu là sau quá trình nghiên cứu miệt mài gần 4 năm và bỏ vào đó không dưới 2 tỉ đồng, thì đến nay, cứ dựa trên một robot tiêu chuẩn có thể “nhân bản” hàng loạt. Tuy nhiên, tiến sĩ Bá Hải cũng cho biết nhóm của anh không chỉ dừng lại ở cấu hình hiện tại của robot Cô Ba mà có thể nâng cấp, phát triển những robot năng động hơn và thể hiện được cảm xúc.
TS Nguyễn Bá Hải là tác giả của nhiều dự án sản phẩm sáng tạo cho cộng đồng đã được ứng dụng hiệu quả vào thực tế như: “Mắt thần” cho người khiếm thị; thương hiệu cà phê JAVI - cà phê sạch của người Việt; Lớp học 1 đô-la - “Nhận diện đam mê và biến ước mơ thành hiện thực”; Robot giảng dạy tiếng Anh... |