Cánh cửa ôtô được sản xuất tại một doanh nghiệp xe ở Việt Nam. (Ảnh: C.TRUNG).
Song song trong mảng phân phối ôtô du lịch Hyundai tại thị trường Việt Nam, ngày 23/7, Tập đoàn Thành Công phát thông tin giới thiệu thương hiệu TC Motor, phụ trách riêng các hoạt động trong ngành công nghiệp ôtô.
Theo đó, 4 lĩnh vực chủ chốt mà TC Motor sẽ tiếp tục kế thừa và phát triển gồm: lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D) và sản xuất ôtô Hyundai & các thương hiệu khác; lĩnh vực phân phối; bán lẻ; dịch vụ cung ứng linh kiện, phụ tùng chính hãng, các dịch vụ vận tải - hạ tầng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 23/7, ông Trần Huy Hoàng - Giám đốc truyền thông & thương hiệu TC Motor - cho biết trong thời gian tới, ngoài việc sản xuất, láp ráp, phân phối xe thương hiệu Hyundai, đơn vị này sẽ phát triển kinh doanh thêm vài thương hiệu xe Nhật, châu Âu.
Đặc biệt, theo ông Hoàng, TC Motor đã có chiến lược phát triển mẫu xe riêng, mang thương hiệu Việt.
Để sản xuất mẫu xe thương hiệu Việt phải có tỉ lệ nội địa hóa các linh kiện, phụ tùng xe và chiến lược phát triển dòng xe nào, tuy nhiên ông Hoàng chưa thông tin cụ thể và cho biết sẽ công bố trong thời gian tới.
Với kế hoạch trên của TC Motor, thị trường xe hơi Việt thêm sôi động khi có những doanh nghiệp hướng đến sản xuất mẫu xe mang thương hiệu Việt Nam, tạo ngành công nghiệp ôtô sau nhiều năm dài chờ khối doanh nghiệp FDI như Toyota, Honda nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, chuyển giao công nghệ nhưng không đạt được như kì vọng.
Sự bắt tay vào làm của VinFast, nhanh chóng đã tạo ra mẫu xe thương hiệu Việt đưa đến tạy người tiêu dùng mẫu xe đô thị Fadil với giá khoảng 400 - 500 triệu đồng/chiếc.
Còn Thaco Trường Hải nhiều năm phát triển, từng bước sản xuất, lắp ráp, phân phối, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa các dòng xe Kia, Mazda, Peugeot...
Đặc biệt, Thaco phát triển xe buýt với tỉ lệ nội địa hóa trên 80%, xuất khẩu đi Thái Lan, Philippines...