Thủ tướng chỉ ra 4 hậu quả lớn do chậm giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình trạng giải ngân vốn đầu tư công năm nay đang ở mức rất thấp. Có những chủ trương giải phóng mặt bằng cả năm rưỡi rồi nhưng đến giờ phút này tiền không ra khỏi tài khoản. Thủ tướng nhấn mạnh nếu để tình trạng giải ngân chậm sẽ ảnh gây ra 4 hậu quả lớn.

Theo thống kê, đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP của cả nước, chiếm khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019. Tuy nhiên, báo cáo của các Bộ ngành cho thấy tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua đang là "điểm nghẽn" với nền kinh tế.

Sáng nay, Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Thủ tướng đã chỉ ra nhiều điểm nghẽn và hậu quả lớn trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng: Giải ngân vốn đầu tư công chậm gây nên 4 hậu quả lớn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhất là các công trình hạ tầng quan trọng.

NQH00460

Thủ tướng nhấn mạnh nếu để tình trạng giải ngân chậm thì sẽ ảnh gây ra 4 hậu quả lớn. (Ảnh: VGP).

Tuy nhiên, gần chục năm qua, tình trạng chậm giải ngân đầu tư công đã tạo ra nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng chậm giải ngân này không phải năm nay nhưng đặc biệt năm nay giải ngân thấp.

Theo Thủ tướng, nếu để tiếp tục tình trạng này diễn ra thì sẽ ảnh gây ra 4 hậu quả lớn.

Thứ nhất, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Trong khi đó, một khối lượng lớn vốn đang bị "chôn" tại các cấp, ngành và địa phương.

Thứ hai, vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, cho nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.

Thủ tướng cho biết hậu quả thứ ba là gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn.

Thứ tư là doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.

"Chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần thái độ không tích cực"

Thủ tướng cho rằng các Bộ, ngành không nên đổ lỗi cho mặt bằng, thủ tục, năng lực thi công, nhất là thể chế, bởi nhiều địa phương, nhiều ngành đang có mức giải ngân rất tốt từ 70-80%, thậm chí cao hơn nữa. Đồng thời, ngược lại, có địa phương, ngành chỉ giải ngân ở mức 10-15%.

"Tại sao người ta làm được mình lại chậm trễ? Chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần thái độ không tích cực? Có những chủ trương giải phóng mặt bằng cả năm rưỡi rồi nhưng đến giờ phút này vẫn ì xèo, tiền không ra khỏi tài khoản, ra xã hội được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời hơn.

Bộ Kế hoạch Đầu tư thừa nhận còn tâm lí nể nang khiến giải ngân vốn chậm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoài các nguyên nhân vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công… khiến việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và thấp, thì một phần đến từ việc công tác giao kế hoạch còn chậm.

IMG_3752

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng giải ngân vốn đầu tư công có rất nhiều nguyên nhân, từ chủ quan đến khách quan. (Ảnh: VGP).

Giải thích về vấn đề này, Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết số vốn được giao trước thời điểm 31/12/2018 là khá cao, đạt 85,5%, đồng thời giải ngân là trên cơ sở số vốn đã giao kế hoạch. 

Nói cách khác, tỉ lệ kế hoạch vốn sẵn sàng để giải ngân ngay từ đầu năm đã đạt 85,5% dự toán Quốc hội giao, việc giải ngân không phụ thuộc số vốn chưa giao kế hoạch.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ này, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 còn phải trải qua trình tự giao kế hoạch bước 2, nghĩa là các bộ, ngành, địa phương giao kế hoạch vốn chi tiết cho từng dự án, từng đơn vị trực thuộc để triển khai thực hiện. 

Các báo cáo đầu năm cho thấy, nhiều nơi còn chậm giao kế hoạch bước 2 này, một số nơi đến tận tháng 4/2019 mới giao kế hoạch vốn cho các dự án để đăng kí giải ngân trên hệ thống TABMIS của Kho bạc Nhà nước.

"Việc giao kế hoạch vốn đầu tư công cần phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng vi phạm, giao sai, giao vượt tổng mức đầu tư, giao chưa được cấp có thẩm quyền cho phép...", báo cáo của Bộ KH&ĐT khẳng định.

Bộ này cũng đồng thời cho biết thêm tỉ lệ vốn chưa giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 đến thời điểm hiện nay tăng so với các năm trước do nhiều nguyên nhân.

Trong đó, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính dẫn đến việc giao kế hoạch chậm, giao nhiều lần là do các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa bám sát nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn, phân bổ vốn cho các dự án chưa đúng nguyên tắc, tiêu chí…

Bộ KH&ĐT cũng nhận trách nhiệm việc chưa chủ động tham mưu báo cáo tháo gỡ vướng mắc phát sinh, còn tâm lí nể nang, chờ đợi thu tục dự án của các bộ, ngành, địa phương nên dẫn tới mất nhiều thời gian tổng hợp, báo cáo.