Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Giải ngân vốn đầu tư công họp nhiều nhưng lại chậm hơn các năm trước, các đồng chí có thấy vô cảm không?

Trước vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình Bộ KH&ĐT đã chậm trễ trong tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng.

Báo cáo Phó Thủ tướng về tình hình, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết trong 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư công được giải ngân trên cả nước ước đạt 134.494 tỉ đồng, đạt 31,32% so với kế hoạch Quốc hội giao, thấp nhất trong cùng kì những năm gần đây.

Tỉ lệ giải ngân vốn trong nước khá thấp, chỉ hoàn thành hơn 1/3 kế hoạch. Tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài ở mức vô cùng khiêm tốn, mới đạt 8,6% kế hoạch năm.

Nguyên nhân được giải thích là do nhiều bộ, ban, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong việc chỉ đạo triển khai. Các yếu tố khách quan như trình tự, thủ tục quy trình về đấu thầu xây dựng, đất đai cũng khiến cho tiến độ giải ngân bị chậm lại.

Đại diện cho địa phương có số vốn đầu tư công giao lớn, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết thành phố mới chỉ giải ngân được 26% trong tổng số 33.170 tỉ đồng của năm 2019. Vốn ODA giải ngân được khoảng 50% trong tổng số 800 tỉ đồng.

C12A5779

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi họp. (Ảnh: VGP/Thành Chung).

Nguyên nhân được đại diện thành phố nêu là do chậm trễ trong chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng. Riêng tuyến metro số 2 có mức đền bù giải phóng mặt bằng chiếm gần một nửa tổng chi (4.215 tỉ đồng), nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt theo chủ trương đầu tư phân cấp của Thủ tướng. 

Ngoài ra, theo ông Tuyến, các chủ đầu tư thường ứng vốn trước để thi công, nhưng thường chậm hoàn thành thủ tục rút vốn từ Kho bạc, nên tỉ lệ giải ngân trên hệ thống thấp hơn so với thực tế.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội- ông Ngô Văn Quý, cho biết Hà Nội mới chỉ giải ngân được 24,7% kế hoạch vốn giao. Nguyên nhân được đưa ra cũng là chậm chi trả giải phóng mặt bằng và các quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật mất nhiều thời gian.

Cả hai lãnh đạo của TP Hà Nội và TP HCM đều khẳng định sẽ siết chặt trách nhiệm, kỉ luật đầu tư công tới các cá nhân cụ thể. 

Căn cứ trên giải trình của các chủ đầu tư, TP HCM sẽ dừng cấp vốn cho những dự án chưa hoàn thành giải ngân theo tiến độ để chuyển qua dự án khác cần vốn và giải ngân hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng chưa tổng hợp xong khoảng 35.000 tỉ đồng vốn nhu cầu của các bộ ngành địa phương để trình Thủ tướng giao vốn. Đây là công việc đã được giao chỉ tiêu hoàn thành trong tháng 5/2019 ( (vốn ngân sách Trung ương là gần 16.500 tỉ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ là hơn 4.200 tỉ đồng và vốn nước ngoài là hơn 14.300 tỉ đồng).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình Bộ KH&ĐT đã chậm trễ trong tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công, đồng thời không báo cáo cụ thể các nguyên nhân chậm giao vốn và giải pháp khắc phục, đặc biệt khi 2.400 tỉ đồng cho Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các vùng được Kiếm toán Nhà nước kiến nghị không giải ngân nhưng Bộ chưa trình với Thủ tướng.

Phó Thủ tướng nêu rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ KH&ĐT và Vụ trưởng của các Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Vụ Kinh tế đối ngoại trong đốc thúc, thẩm định và tổng hợp các dự án.

Ông nhấn mạnh: "Giải ngân vốn đầu tư công đã là áp lực nội tại của Chính phủ rồi. Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị và nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng về vấn đề này nhưng giải ngân còn chậm hơn cả cùng kì các năm trước. Các đồng chí có thấy vô cảm không?".

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ KH&ĐT: trong tháng 8 cần phân bổ hết 35.000 tỉ đồng vốn chưa giao; trước 30/9/2019 cần trình Thủ tướng việc hủy kế hoạch giao vốn cho các bộ, ngành địa phương "không chịu" giải ngân. Trước 10/10 năm nay cần báo cáo Thủ tướng điều chỉnh kế hoạch giải ngân các dự án từ chậm tiến độ sang cấn vốn và có tiến độ giải ngân cao, từ các bộ ngành có tỉ lệ giải ngân thấp sang những nơi có nhu cầu bổ sung vốn và tỉ lệ giải ngân cao.

Bộ Tài chính công khai tình hình giải ngân của từng bộ, ngành địa phương, chủ đầu tư dự án, qua đó chủ động kiểm soát, thống kê số liệu giao vốn cho Kho bạc, tháo gỡ khó khăn. 

Phó Thủ tướng đồng thời chủ trì soạn thảo Công điện của Thủ tướng về đốc thúc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và thông tin. 

Ngày 15/9 tới, Chính phủ sẽ họp trực tuyến toàn quốc về vấn đề này.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.