Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư nói về tỷ lệ giải ngân 8% của TP HCM

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, hiện nay cấp thành phố và quận/huyện còn khoảng 2.000 dự án đầu tư công, trong đó, việc rà soát các dự án từ giai đoạn 2016 - 2020 chuyển sang giai đoạn hiện nay phải tính toán đến thứ tự ưu tiên và điều chỉnh nhiều lần nên khá mất thời gian.

Tại buổi họp báo do UBND TP HCM tổ chức chiều 28/4, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đã trao đổi một số thông tin liên quan đến tiến độ giải ngân đầu tư công của thành phố.

Về việc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP HCM ở mức 8% trong 4 tháng đầu năm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Trần Anh Tuấn cho rằng, tỷ lệ này khá thấp và do nhiều nguyên nhân.

Trong đó, sau dịch Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn bắt đầu có khởi sắc nhưng chưa hoàn toàn phục hồi. Tình hình quốc tế cũng đã ảnh hưởng lên giá xăng dầu, kéo giá cả nguyên vật liệu xây dựng và phí vận chuyển tăng. Do đó, các doanh nghiệp cũng bị động khi chuẩn bị các điều kiện để tái sản xuất, các nhà đầu tư cũng băn khoăn.

Theo ông Trần Anh Tuấn, hiện cấp thành phố và quận, huyện còn khoảng 2.000 dự án. Việc rà soát chuyển các dự án từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn hiện nay phải đảm bảo tính chặt chẽ, công khai, minh bạch, tính toán đến thứ tự ưu tiên và phải điều chỉnh nhiều lần nên khá mất thời gian. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đang triển khai.

Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cùng các sở, ngành đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư, chuẩn bị vốn và công khai vốn. Do đó, việc giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng trong thời gian tới sẽ nhanh chóng hơn. 

"Những tháng đầu năm chuẩn bị đầu tư nên chậm. Tháng tiếp theo khâu chuẩn bị đã ổn định, chặt chẽ, đúng nguyên tắc thì việc triển khai sẽ tốt, nhanh hơn và có sức bật mạnh hơn", lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tăng cường hậu kiểm thông qua phần mềm giám sát đầu tư, các dự án… Hàng tuần, TP HCM tổ chức họp giao ban khối đô thị để nhận diện những khó khăn vướng mắc từ các sở, ngành, chủ đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án lớn trọng điểm để kịp thời tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ. Phấn đấu hết quý II/2022, thành phố dự kiến sẽ giải ngân đầu tư công đạt 40%.

Cầu Thủ Thiêm 2, cùng với đường song hành Võ Văn Kiệt, hoàn trả mặt bằng khu vực nhà ga Bến Thành và hầm đào hở đường Lê Lợi thuộc dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là những công trình giao thông trọng điểm của TP HCM đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh tư liệu: Thái Trường).

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND TP HCM đã ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân, thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022. Các nhiệm vụ, giải pháp cho các sở, ban, ngành, Kho bạc Nhà nước, các Tổng Công ty, Công ty trực thuộc UBND TP HCM, UBND TP Thủ Đức, các quận/huyện và các chủ đầu tư cần được cụ thể hóa; nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng thời gian thực hiện, tránh để xảy ra tình trạng “ngâm” vốn dẫn đến phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

UBND thành phố cũng phân công nhiệm vụ và có giải pháp chủ yếu đối với các sở, ban, ngành, Kho bạc Nhà nước, các Tổng Công ty, Công ty trực thuộc UBND TP HCM, UBND TP Thủ Đức, các quận/huyện và các chủ đầu tư.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.