Theo Báo Chính phủ, trong hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định Sóc Trăng có điều kiện, tiềm năng, thế mạnh sắp tới vô cùng lớn khi trong vòng khoảng 5 năm tới, chậm nhất là 7 năm, Sóc Trăng sẽ có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ trong khu vực ĐBSCL, cả về đường bộ, đường không, hàng hải, vận tải ven biển.
Trong đó, cảng nước sâu Trần Đề sẽ là một cảng biển có vị trí quan trọng ở Sóc Trăng. Vị trí Trần Đề là vị trí xây dựng cảng nước sâu tốt nhất của vùng, đây cũng là điểm đột phá chung của Sóc Trăng và cả vùng ĐBSCL. Khoảng cách từ cảng Trần Đề về Cần Thơ là 60 km.
Khu vực ngoài khơi cửa biển Trần Đề được xác định là vị trí quy hoạch cảng cửa ngõ của vùng ĐBSCL do khu vực này nằm tại trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, kết nối đường thủy nội địa, đường bộ thuận lợi đến trung tâm vùng và các cảng biển, trung tâm logistics trong vùng đã và đang được đầu tư xây dựng.
Hệ thống đường cao tốc trong khu vực đang được đầu tư xây dựng, đặc biệt là với hai trục lớn là tuyến cao tốc TP HCM - Cần Thơ - Cà Mau và tuyến Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ hỗ trợ đặc biệt cho cảng Trần Đề.
Tổng chiều dài đường cao tốc trong khu vực sẽ tăng từ khoảng 40 km vào thời điểm đầu nhiệm kỳ lên khoảng 500 km vào năm 2025, 2026.
Bộ GTVT cũng đang làm thủ tục xây dựng cầu Đại Ngãi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng với vốn là 8.000 tỷ đồng. Đây cũng là cây cầu cuối cùng trên quốc lộ 60 để kết nối các tỉnh phía đông ĐBSCL.
Sóc Trăng nằm cách sân bay Cần Thơ khoảng 60 km. Hiện nay, Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt kết nối TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, với tiềm năng vốn có của cảng Trần Đề, Sóc Trăng có thể trở thành một thành phố biển như Hải Phòng, TP HCM.