Đề xuất cơ chế đặc thù cho ba dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ- Sóc Trăng

Bộ Giao thông vận tải đề xuất cho phép áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ các dự án, đẩy mạnh phân cấp ủy quyền cho ba dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp chuẩn bị báo cáo chủ trương đầu tư ba dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Theo đó, Bộ đề xuất cho phép áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ các dự án, đẩy mạnh phân cấp ủy quyền cho ba dự án cao tốc trên.

Thông báo kết luận cho biết, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương, các địa phương để cùng hoàn thành tốt những nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải.

Để hoàn thành báo cáo nghiên cứu trình Bộ Chính trị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Vụ Kế hoạch và Đầu tư của Bộ tiếp thu, nghiên cứu hoàn chỉnh theo các ý kiến phát biểu tại cuộc họp. Trong đó, thống nhất ba dự án đường bộ cao tốc nêu trên là những dự án đặc biệt quan trọng, phải được đầu tư cấp bách trong giai đoạn hiện nay;

Đồng thời, nghiên cứu các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, ý nghĩa, sự cấp thiết đầu tư của ba dự án để mang tính thuyết phục cao; bổ sung phụ lục để chứng minh làm rõ hơn từng nhóm vấn đề như: hình thức đầu tư đối với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đánh giá tác động dự án BOT...

Bộ cũng chỉ đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu rà soát lại những nội dung cần xin ý kiến Bộ Chính trị, trong đó lưu ý nội dung huy động tối đa nguồn lực cả trung ương và địa phương để đầu tư các dự án cơ bản hoàn thành trong năm 2025; cho phép áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ các dự án, đẩy mạnh phân cấp ủy quyền.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai dài 34,2 km. Điểm đầu nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn tránh TP Biên Hòa, điểm cuối giao với đường vành đai TP Bà Rịa.

Dự án xây dựng 7 nút giao liên thông, 13 cầu vượt dòng chảy, 4 cầu vượt đường ngang và 19 cầu đường ngang vượt đường cao tốc.

Theo đề xuất, thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2021 - 2026. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng

Với cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, dự án nhằm kết nối Tây Nguyên với các tỉnh Nam Trung Bộ, có chiều dài 117,5 km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa khoảng 32,7 km và qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8 km.

Điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối giao cắt tại khoảng Km12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột, thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Dự kiến tuyến có quy mô 4 làn xe, bề rộng 24,75 m. Dự án đầu tư theo quy mô phân kỳ là khoảng 21.935 tỷ đồng, được ưu tiên đầu tư bằng vốn đầu tư công.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188 km với điểm đầu tại TP Châu Đốc (An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Dự kiến dự án được khởi công vào năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 44.691 tỷ đồng; nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2025 khoảng 35.753 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 8.938 tỷ đồng. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.