Yêu cầu bàn giao mặt bằng thi công cao tốc Bắc - Nam trong tháng 4

Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng đạt 99,99%, còn thủ tục cấp phép mỏ vật liệu đất đắp nền đường tại một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm.

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các địa phương khẩn trương bàn giao mặt bằng và xử lý vướng mắc về mỏ vật liệu đất đắp nền đường dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017-2020).

Nội dung công điện nêu rõ, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ 11 dự án thành phần trong năm 2024. Trong đó, bốn dự án thành phần gồm Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2022.

Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng đạt 99,99%; thủ tục cấp phép mỏ vật liệu đất đắp nền đường tại một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm.

Cụ thể, các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang còn nhiều vị trí cốt điện, đường ống nước chưa hoàn thành công tác di dời.

Nhiều địa phương chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ vật liệu, khiến các dự án còn thiếu 4,1 triệu m3 đất đắp nền đường.

Riêng tỉnh Bình Thuận còn ba mỏ đất với tổng trữ lượng 1,34 triệu m3 hoàn thành việc cấp phép nhưng chưa được khai thác do đang hoàn tất các thủ tục thuê đất, nộp các khoản thuế, phí và thực hiện bồi thường.

 Nhà thầu thi công đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: TTXVN).

Thủ tướng yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thành khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các dự án trong tháng 4 này.

Các địa phương cũng được giao đẩy nhanh tiến độ giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu còn lại theo quy định đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ thi công dự án.

Riêng đối với địa bàn tỉnh Ninh Bình và tỉnh Bình Thuận cần hỗ trợ giải quyết dứt điểm các vướng mắc về vật liệu đất đắp nền đường cung cấp cho đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 và đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hoàn thành trong tháng 4 này.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tùy tiện nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng. Đồng thời công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng đảm bảo có đầy đủ các loại vật liệu xây dựng cho công trình giao thông tại khu vực xây dựng dự án.

Bộ Giao thông vận tải được giao chỉ đạo các Ban quản lý dự án và các nhà thầu phối hợp với địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Chủ động rà soát các tồn tại, vướng mắc phát sinh về nguồn vật liệu cung cấp cho từng dự án, kịp thời làm việc với các địa phương để giải quyết, tháo gỡ.

Chính phủ đặt mục tiêu mục tiêu trong năm 2022 hoàn thành, đưa vào khai thác 4 đoạn cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây với tổng chiều dài 361 km để bảo đảm đến năm 2025 hoàn thành 2.500 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Theo báo cáo mới đây, tiến độ xây lắp của dự án thành phần Mai Sơn - quốc lộ 45 đạt hơn 57% và Cam Lộ - La Sơn gần 82%, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Các hạng mục công trình lớn trên công trường đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 như hầm Tam Điệp, hầm Thung Thi, cầu Núi Đọi và toàn bộ nền đường đã dần được hình thành.

Hai tuyến còn lại là Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đạt 32-38,5% giá trị hợp đồng, trong đó đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm 13,3% giá trị hợp đồng, chậm hai tháng so với kế hoạch.

Về tổng thể, giải phóng mặt bằng cơ bản xong, đạt 99,99%, nguồn vốn đã được bố trí đủ… Một số tồn tại như tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết tỉnh Bình Thuận còn công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời, còn thiếu 0,9 triệu m2 tại hai mỏ chưa được cấp phép; giá nhiên, vật liệu tăng cao…

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.