Ngày 15/10, cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đã được chính thức khởi công.
Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, vốn đầu tư 7.962 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, do Ban Quản lý dự án 85 Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài hơn 15 km, điểm đầu giao quốc lộ 54 (xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh); điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).
Ngày 15/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết, xử lý một số kiến nghị, tạo điều kiện cho Trà Vinh phát triển nhanh, bền vững.
Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Trà Vinh tập trung nguồn lực, cùng Trung ương triển khai một số dự án để tháo gỡ nút thắt về giao thông, từ đó kết nối với các dự án lớn về hạ tầng giao thông trong khu vực ĐBSCL.
Trong đó, cần nghiên cứu bổ sung quy hoạch, lập dự án, huy động nguồn lực để xây dựng cao tốc mới kết nối cầu Cổ Chiên hiện hữu và cầu Đại Ngãi vừa khởi công, xây dựng cầu Cổ Chiên 2 ở phía hạ nguồn để kết nối ven biển Trà Vinh - Bến Tre, sớm đầu tư cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh, kết nối tuyến đường ven biển các tỉnh ĐBSCL, xây dựng cảng biển nước sâu cho Trà Vinh...
Ngày 14/10, tại tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ hợp long cầu Mỹ Thuận 2 thuộc Dự án thành phần đầu tư xây dựng Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.
Dự án này do Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, được khởi công ngày 16/3/2020, sẽ đưa vào khai thác sử dụng vào cuối năm nay. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.003 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước.
Trong buổi làm việc mới đây với Tập đoàn Sunwah (Trung Quốc), Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, tỉnh này là trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là thủ phủ công nghiệp của cả nước.
Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 12.600 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 91%. Ông Lợi cho biết tỉnh đang quy hoạch thêm 15 KCN với tổng diện tích 10.200 ha, sẽ đáp ứng được yêu cầu thu hút, bố trí các dự án đầu tư.
Theo TTXVN, ngày 18/10, sau hai tháng thông xe kỹ thuật tuyến chính, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2020) là quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đã được khánh thành tại cửa phía Bắc hầm Trường Thi.
Cao tốc QL 45 - Nghi Sơn có chiều dài tuyến chính khoảng 43 km. Giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe bề rộng nền đường 17 m; giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m.
Cao tốc thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu dài gần 50 km, đi qua tỉnh Thanh Hóa 6,5 km và tỉnh Nghệ An 43,5 km. Trong giai đoạn phân kỳ, cao tốc được thiết kế thi công xây dựng quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m; giai đoạn hoàn chỉnh sẽ nâng lên 6 làn xe, nền đường rộng 32,25 m.
Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi quy hoạch bao gồm nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Tây Ninh.
Dự kiến đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia sẽ có 60 cửa khẩu, trong đó có 20 cửa khẩu quốc tế, 14 cặp cửa khẩu chính và 26 cửa khẩu phụ.
Riêng tại Tây Ninh, cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh) - Dar (Tboung Khmum) sẽ được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế; cửa khẩu Hoà Hiệp (Tây Ninh) - Khse Dek (Svay Rieng) trở thành cửa khẩu phụ.
Ngày 19/10, Thái Nguyên đã tổ chức thông xe kỹ thuật tuyến đường Bắc Nam - Cầu Huống Thượng và đường Huống Thượng - Chùa Hang.
Cầu Huống Thượng là cây cầu lớn nhất trên địa bàn tỉnh với số vốn gần 470 tỷ đồng, bắc qua sông Cầu, từ phường Túc Duyên sang xã Huống Thượng.
Việc thông xe đường Bắc Nam - cầu Huống Thượng và đường Huống Thượng - Chùa Hang giúp kết nối giao thông hai bờ sông Cầu giữa khu vực trung tâm với khu vực phía Đông của thành phố.
Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, dự kiến hệ thống đô thị của tỉnh này bao gồm 25 đô thị. Trong đó, một đô thị loại I, hai đô thị loại III, 9 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V, với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%.
Trong đó, định hướng đến năm 2030, Trần Đề cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, là thị xã trực thuộc tỉnh và định hướng phát triển thành thị xã; hướng phát triển không gian chính là hướng về TP Sóc Trăng và ven sông Hậu; là trung tâm kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng.