Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, dự kiến hệ thống đô thị của tỉnh này bao gồm 25 đô thị. Trong đó, một đô thị loại I, hai đô thị loại III, 9 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V, với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%.
Đến năm 2050, hệ thống đô thị của tỉnh sẽ có 31 đô thị gồm một đô thị loại I, một đô thị loại II, hai đô thị loại III, 9 đô thị loại IV và 18 đô thị loại V.
Dưới đây là phân loại đô thị tỉnh Sóc Trăng theo quy hoạch:
TP Sóc Trăng là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông; trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản, công nghiệp năng lượng sạch, trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử; thành phố Sóc Trăng với vai trò là đô thị tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng của tỉnh.
Cùng với đó, nghiên cứu việc mở rộng địa giới hành chính nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho việc định hướng đến năm 2030, TP Sóc Trăng cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Đô thị Vĩnh Châu là một trong những đô thị trung tâm của vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng. TX Vĩnh Châu là đô thị thương mại, công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan, nông, lâm, ngư nghiệp và các ngành kinh tế biển như: điện gió ngoài khơi, nuôi trồng thủy sản mặn/lợ, dịch vụ hậu cần biển.
Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển mở rộng đô thị theo hướng tạo lập các khu chức năng, các khu đô thị lấn biển với tính chất, quy mô phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình, địa chất, thủy văn và đảm bảo điều kiện kết nối với hạ tầng theo định hướng phát triển của thị xã.
TX Ngã Năm là trung tâm của vùng nội địa về phía tây nam tỉnh Sóc Trăng; là đô thị thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sông nước, chợ nổi truyền thống.
Định hướng đến năm 2030, Trần Đề cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, là thị xã trực thuộc tỉnh và định hướng phát triển thành thị xã; hướng phát triển không gian chính là hướng về TP Sóc Trăng và ven sông Hậu; là trung tâm kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng, phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ hậu cần cảng biển, vận tải, hàng hải, du lịch biển và đô thị biển.
Cùng với đó, huyện Trần Đề còn gắn kết với cảng biển ở cửa ngõ Trần Đề, Khu kinh tế ven biển Trần Đề, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; là trung tâm nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá cho cả vùng duyên hải Biển Đông.