Theo thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tổng phương tiện thanh toán tính đến hết tháng 9/2020 đạt hơn 11,48 triệu tỉ đồng, tăng 8,63% so với cuối năm 2019.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 4,37 triệu tỉ đồng, tăng xấp xỉ 10,4%. Tính riêng trong tháng 9, con số này đã tăng gần 141.000 tỉ đồng.
Tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,09 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 5,77%. So với cuối tháng 8, người dân gửi thêm gần 15.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, NHNN cũng công bố số liệu chi tiết về tình hình dư nợ tín dụng. Cụ thể, tính đến hết tháng 9, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8,69 triệu tỉ đồng, tăng 6,08% so với đầu năm.
Trong đó, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực xây dựng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất với 7,37%, lên gần 860.000 tỉ đồng.
Xếp sau đó là lĩnh vực thương mại và các hoạt động dịch vụ khác với tăng trưởng tín dụng lần lượt đạt 6,9% và 6,79%, lên hơn 1,97 triệu tỉ và gần 3,26 triệu tỉ đồng.
Ngược lại, lĩnh vực vẫn tải và viễn thông có mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất với 2,8%, đạt xấp xỉ 228.000 tỉ đồng.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quí IV/2020, các tổ chức tín dụng (TCTD) kì vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 3,4% trong quí cuối năm nay và tăng 8,7% trong năm 2020. Huy động vốn kì hạn trên 1 năm được dự báo tăng cao hơn kì hạn dưới 1 năm.
Về tăng trưởng tín dụng, các TCTD kì vọng mức tăng của toàn hệ thống đạt 4,7% trong quí IV và tăng 11,4% trong cả năm 2020.
Trong khi đó, tại họp báo Chính phủ thường kì tháng 9, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 dự kiến có thể đạt 8 đến 10%, tương đương có khoảng 150.000 đến 320.000 tỉ đồng tín dụng tăng thêm trong 3 tháng cuối năm. Ông cũng nhận định mức tăng trưởng trên 9% là khả thi.
Về phía công ty chứng khoán, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, tín dụng trong quí IV sẽ tăng tốc mạnh hơn so với ba quí đầu năm do yếu tố mùa vụ và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Dù vậy, tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức thấp.