TikTok vẫn đang xem xét đề nghị từ hai doanh nghiệp tiềm năng nhất là Oracle và Microsft. Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết TikTok dự định gửi một đề xuất lên Nhà Trắng để kịp phê duyệt trước hạn chót của Tổng thống Trump. Sau đó, chính quyền Tổng thống Trump có toàn quyền quyết định thông qua thỏa thuận hay không.
Hôm 11/9, Reuters đưa tin chính phủ Trung Quốc đã chia sẻ riêng rằng họ thà cho ByteDance khai tử TikTok tại Mỹ hơn là buộc phải thoái vốn khỏi hoạt động của ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng.
Đáp lại tin của Reuters, một phát ngôn viên của TikTok khẳng định "chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ đề xuất với công ty rằng chúng tôi nên đóng cửa tại Mỹ hoặc bất kì thị trường nào".
TikTok rơi vào một cuộc tranh chấp chính trị kể từ đầu tháng 8, khi ông Trump đe dọa cấm ứng dụng tại Mỹ vì lo ngại rủi ro an ninh quốc gia. Sau đó, ông Trump công bố lệnh hành pháp buộc TikTok phải "bán mình" trước hạn chót 15/9.
Cuối tháng 8, chính phủ Trung Quốc công bố một số hạn chế mới xoay quanh hoạt động xuất khẩu công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI). Động thái của Bắc Kinh gây ảnh hưởng đến tiến độ thỏa thuận bán hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Một phần nguyên nhân khiến thỏa thuận trục trặc là số lượng các bên liên quan mà ByteDance phải đáp ứng. Theo Bloomberg, ByteDance không chỉ phải đạt được các điều khoản với bên mua lại cũng như các cổ đông và nhà đầu tư, mà còn phải tìm cách làm hài lòng cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, việc nhượng lại một tài sản công nghệ quan trọng giữa lúc Bắc Kinh đang tranh cãi căng thẳng với Washington được coi là hành động không yêu nước. Bên trong chính quyền ông Trump, một số cố vấn đang ủng hộ kịch bản TikTok đóng cửa tại Mỹ thay vì bán cho một công ty Mỹ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã đề cập đến bình luận ngày 11/9 của ông Triệu Lập Kiên - phát ngôn viên Bộ Ngoại Trung Quốc.
"Mỹ nên ngay lập tức sửa chữa sai lầm và ngừng gây áp lực vô cớ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc cũng như các công ty không phải của Mỹ. Phía Trung Quốc có quyền thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc", phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nhấn mạnh.
Ngoài ra, giới quan sát chưa rõ TikTok phải tuân theo thời hạn nào khi Tổng thống Trump công bố một loạt lệnh hành pháp khác nhau cho TikTok. Ứng dụng chia sẻ video này đang làm việc hướng tới hạn chót 20/9 để có thể đệ trình một đề xuất nào đó cho chính quyền ông Trump.
Kế hoạch trên liên quan đến thời hạn 45 ngày nêu ra trong lệnh hành pháp do ông Trump kí ngày 6/8. Tuy nhiên, ông Trump lại kiên quyết đề cập đến thời hạn 15/9 trên truyền thông.
TikTok cũng đang đối mặt với một hạn chót vào tháng 11 để thoái vốn khỏi Mỹ, dựa theo một lệnh hành pháp khác mà ông Trump đặt bút kí theo khuyến nghị của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS).
Nguồn thạo tin của Bloomberg cho biết các doanh nghiệp đang đàm phán cùng TikTok tập trung vào việc đạt được thỏa thuận sơ bộ vào ngày 20/9 và hoàn thành giao dịch vào tháng 12 năm nay.