TS. Nguyễn Đình Cung: 'Tăng trưởng đã ở đáy nhưng có thể kéo dài thêm 1-2 quý nữa'

Theo chuyên gia Nguyễn Đình Cung, với bối cảnh trong nước và quốc tế như hiện nay, nền kinh tế đang ở đáy của tăng trưởng và đỉnh điểm của khó khăn. Thậm chí tình hình này có thể kéo dài vài tháng hoặc một, hai quý nữa chứ không phải hồi phục ngay từ thời điểm này.

Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố, kinh tế vĩ mô quý I/2023 có phần ảm đạm khi chỉ số tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,23%, CPI tăng 4,18%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 6,8%, có 60.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý. Đây là những minh chứng rõ nét cho tình hình khó khăn của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại.

Tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,23% thấp gần nhất trong 13 năm, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023 và cách rất xa so với mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra.

Theo các chuyên gia, con số tăng trưởng quý I có thể coi là đáy trong giai đoạn hiện nay nhưng chưa chắc chắn sẽ hồi phục ngay sau khi "chạm đáy".

Giai đoạn 'đáy tăng trưởng, đỉnh khó khăn"

Tăng trưởng GDP thấp thứ hai trong vòng 13 năm qua. (Nguồn: TCTK).

Đánh giá về con số tăng trưởng Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,23%, có ý kiến cho rằng, khó khăn đã đến đáy.

"Tôi đồng tình một phần với quan điểm đó nhưng khả năng đáy kéo dài sẽ xảy ra chứ không phải là đáy một điểm rồi bứt phá lên. Mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,5% khó mà đạt được nếu không có giải pháp gì đột phá", ông Cung nói.

Theo ông, nền kinh tế đang gặp khó khăn từ các phía, từ phía cầu, phía cung, từ bên ngoài và cả bên trong. Cuối cùng người phải chịu và phải vượt qua là cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Với yếu tố bên ngoài, lạm phát trên thế giới tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao và khả năng kéo dài cho đến hết năm nay. Tăng trưởng của các nền kinh tế là đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản được dự báo sẽ còn tiếp tục đi xuống. Điều này có nghĩa là nhu cầu nhập khẩu, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chưa được cải thiện ít nhất là trong năm nay.

Một trong những điểm sáng mà dư luận quan tâm là Trung Quốc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ông Cung cho rằng, đối với Việt Nam, chỉ có du lịch là được hưởng lợi nhiều, còn những lĩnh vực khác thì không. Bởi khi Việt Nam khi gặp khó xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu cũng sẽ không nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc ở mức tương xứng. Do đó, hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị vẫn gặp khó khăn.

Với tình hình trong nước, vấn đề vốn cho doanh nghiệp không được cải thiện nhiều, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn kém và chi phí vốn cao với thực trạng của doanh nghiệp hiện nay. Ngoài ra, niềm tin của thị trường và nhu cầu tiêu dùng cũng không được cải thiện nhiều so với quý IV/2022 nên bài toán về vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn.

Với bối cảnh trong nước và quốc tế như vậy, nền kinh tế đang ở đáy của tăng trưởng và đỉnh điểm của khó khăn, thậm chí tình hình này có thể kéo dài vài tháng hoặc một, hai quý nữa chứ không phải hồi phục ngay từ thời điểm này, ông Cung nhìn nhận.

Cần có đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%

Hạ An tổng hợp số liệu từ TCTK.

Ông Cung cho rằng, đã đến lúc cần có nhìn nhận đúng đắn hơn về con số lạm phát. Ông cho rằng, lạm phát cao hơn là bình thường và nên nới rộng hơn mục tiêu kiểm soát lạm phát để hỗ trợ tăng trưởng.

Mặc dù vẫn còn có sự vênh nhau giữa số liệu chính thức và cảm nhận của xã hội song ít nhất con số CPI quý I phản ánh đúng rằng lạm phát năm nay đang cao hơn khá nhiều năm ngoái.

Điều này rất quan trọng bởi lạm phát là cơ sở cho điều hành lãi suất và các chính sách vĩ mô. Đồng thời, con số này cũng thể hiện xu thế lạm phát cao là bình thường trong bối cảnh hiện nay và không nên thắt chặt quá mức tiền tệ và tài khoá, nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá.

Nhắc lại giai đoạn quý IV/2022, TS. Nguyễn Đình Cung cho hay, đánh giá không đúng về lạm phát khiến điều hành thắt chặt quá mức chính sách tiền tệ và tài khoá đã khiến nền kinh tế rơi vào thiếu vốn.

Hiện tại, lãi suất tuy có giảm nhẹ nhưng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn kém và chi phí vốn cao với thực trạng của doanh nghiệp hiện nay.

Nhắc lại những giải pháp giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, TS. Cung cho rằng, nếu muốn đạt mức tăng trưởng 6,5% thì phải có giải pháp tương ứng. Không thể mục tiêu thì lớn mà giải pháp thì không có gì. Còn nếu không thì nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP thấp hơn ở mức 5,5%-6% mới có thể đạt được.

Theo ông Cung, hai yếu tố có thể giúp đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm này là: Chính sách tiền tệ và tài khoá cần được mở rộng, chấp nhận mức lạm phát cao hơn để hỗ trợ tăng trưởng và hai là phải có sự đột phá, cải cách toàn diện.

Đồ hoạ: Alex Chu.

Một quyết định chưa từng có của Chính phủ sau bao nhiêu thảo luận, đó là việc mở rộng visa đối với khách du lịch. Đây là điểm mở đầu tiên và hy vọng điểm mở này sẽ kéo theo nhiều điểm mở khác.

Đột phá thứ hai ngoài du lịch là đầu tư công. Nếu mở được "chìa khoá" giải ngân đầu tư công thì sẽ tăng được cầu trong nước, tăng được vốn cho các doanh nghiệp, duy trì được mục tiêu tăng trưởng mà chúng ta đã đặt ra đầy tham vọng.

Đầu tư công cũng sẽ mở cơ hội kinh doanh cho những ngành có liên quan, đặc biệt những ngành như xây dựng hiện nay đang rất bí và tắc, dòng vốn cho lĩnh vực này có thể sẽ được khai thông.

Theo ông Cung, để có những đột phá này cần xuất phát từ cải cách thể chế chính sách. Đã đến lúc cải cách toàn diện, nếu không vẫn sẽ ách tắc bởi nếu cứ vận hành theo quy định cũ thì sẽ không thể làm gì được. Đúng chỗ này sẽ sai chỗ kia, đúng luật này sai luật khác, đúng luật nhưng lại sai thông tư.

"Cái khó kéo dài sẽ dồn chúng ta vào chân tường để có những đột phá trong chính sách nhưng về lâu dài, phải có cải cách toàn diện. Cải cách toàn diện này không dựa vào một, hai bộ, ngành mà phải lập một tổ cải cách quốc gia, nghiên cứu thật đồng bộ", ông Cung kiến nghị.