Doanh nghiệp than chỉ thấy gói vay ưu đãi nhà ở xã hội trên tivi

Nhiều doanh nghiệp, người dân mong muốn được tiếp cận gói vay ưu đãi, hỗ trợ giảm lãi suất vay  mua, xây dựng nhà ở xã hội .

Sáng 28/3 đã diễn ra hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" do báo Người lao động tổ chức. Tại hội thảo, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, hiệp hội cùng các doanh nghiệp, người dân đã trao đổi, đóng góp về nhiều vấn đề, một trong số đó là nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.

Doanh nghiệp và người dân mong mỏi được hỗ trợ lãi suất

Gửi tâm tư, nguyện vọng đến hội thảo, nhiều người dân cho biết hiện việc mua nhà ở xã hội ở đô thị lớn quá khó khăn vì giá cả và lãi suất vay cao. 

Chị Lê Thị Hằng, công nhân một công ty trên địa bàn quận 7, TP HCM cho biết, với mức lương 8 triệu đồng/tháng, không tăng ca và tình trạng giá cả leo thang như hiện nay, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó đối với chị. 

“Tôi mong nguồn vay dễ tiếp cận, lãi suất rẻ hơn, thời gian trả kéo dài hơn… Công nhân mong muốn mua căn hộ 45 - 50 m2, giá cả khoảng một tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn trả trước 20% và giá trả mỗi tháng 3 - 4 triệu đồng”, chị Hằng cho biết.

Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng​, công nhân, người lao động không thể mua được nhà với lãi suất 9 - 10%, lãi suất này chỉ phục vụ cho chủ đầu tư xây nhà. 

Nếu được ngân hàng cho vay lãi suất 4,8 - 5% thì công nhân, người lao động mới mua được nhà, còn không thì chỉ là thuê. 

“Nhiều người chưa tiếp cận xin trả lại nhà vì không chịu nổi lãi suất thương mại. Cho nên, phải có gói cho vay đối với người chưa tiếp cận nhà ở xã hội. Họ phải được ưu tiên mới giữ được nhà. Chính phủ, ngân hàng, địa phương phải có chính sách cho vay vốn ưu đãi. Đây là vấn đề vướng mắc nhất, cần phải được giải quyết”.

Ông Tuấn cũng cho rằng vai trò của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải mạnh hơn, tổ chức của người lao động phải có tiếng nói mạnh hơn như gói vay 4,8% cho công nhân. 

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành. (Ảnh: Người lao động).

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành chia sẻ, đã nghe nhiều về các gói vay ưu đãi nhưng toàn nghe trên báo, trên tivi chứ chưa thấy đâu. Trong khi đó, lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là 14%, gần đây giảm còn 12%. 

“Mức lãi vay như vậy là quá cao, không phù hợp với nhà ở xã hội”.

Nhận định về nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP HCM cũng cho rằng, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giá thành xuống.

Đại diện Bộ Xây dựng: Gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng từ NHNN sẽ sớm triển khai

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng. (Ảnh: Người lao động).

Trước nhiều ý kiến bức xúc về nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, quả thật trong thời gian qua có hành lang pháp lý để đảm bảo nguồn vốn, người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nhưng trong quá trình thực hiện thì không cân đối đủ để cho chủ đầu tư và người dân vay.

Thực tế sau khi kết thúc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì nguồn vốn cũng có hạn chế, chỉ có ngân hàng chính sách xã hội được bố trí nhưng cũng thấp hơn so với nhu cầu.

Nguồn vốn, các gói hỗ trợ kết thúc mà chưa có gói khác nên đứt gãy nguồn vốn vay cho chủ đầu tư và người dân. Việc này cũng vượt thẩm quyền của Bộ Xây dựng và Bộ cũng đã đề xuất lên cấp cao hơn.

Về cơ chế chính sách, nguồn vốn, thủ tục đầu tư, nếu Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023 thì sẽ trình Nghị quyết thí điểm về phát triển nhà cho công nhân, có hiệu lực sớm hơn Luật Nhà ở.

Đối với đề án một triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã giải trình Chính phủ và dự kiến ban hành ngay trong tháng 3/2023 để có cơ sở thực hiện.

Ngoài ra, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm triển khai để tăng nguồn lực phát triển nhà ở xã hội.

Nguồn vốn cho vay phát triển nhà ở xã hội không thiếu

Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết, ngân hàng cho đối tượng mua, thuê mua và xây mới, cải tạo nhà theo quy định với 5 nhóm đối tượng. Đến nay, dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.729 tỷ đồng với 29.577 khách hàng còn dư nợ.

Đối với Nghị quyết số 11 ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao 15.000 tỷ đồng để cho vay chương trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Trong năm 2022, ngân hàng cho vay đạt 4.183 tỷ đồng với 11.545 khách hàng vay vốn và số vốn còn lại để cho vay trong năm 2023 là gần 11.000 tỷ đồng.

"Như vậy, khẳng định về nguồn vốn để cho vay chương trình này trong hai năm 2022 và 2023 là không thiếu", ông Huỳnh Văn Thuận nói. Theo ông, đến nay danh sách các địa phương gửi về thì nhu cầu vốn chỉ hơn 4.300 tỷ đồng, như vậy còn hơn 7.000 tỷ đồng.

Lý giải tình trạng "ế" vốn này, ông Huỳnh Văn Thuận cho hay có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn khan hiếm, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch đăng ký, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn. Một số dự án nhà ở xã hội đã được chủ đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng thương mại để thực hiện dự án. Dự án chưa giải chấp khi bán cho người mua nên các hộ này không đáp ứng được điều kiện vay tại Ngân hàng Chính sách.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.