Bộ Xây dựng đề xuất nới điều kiện mua nhà ở xã hội, không cần thường trú

Bộ Xây dựng đề xuất bỏ quy định người dân muốn mua nhà xã hội phải có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ một năm trở lên tại địa phương nơi có công trình.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33 ngày 11/3 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng đang xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.

Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm một số quy định mới về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Cụ thể, Bộ Xây dựng chỉ ra, Luật Nhà ở năm 2014 có quy định ưu đãi cho doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ trong trường hợp tự lo chỗ ở cho người lao động. Tuy nhiên, Luật chưa có quy định các doanh nghiệp, hợp tác xã trên là đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, trong khi nhu cầu của các đối tượng này là rất lớn để lo nhà ở cho công nhân doanh nghiệp mình.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014, các đối tượng để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải đảm bảo đủ ba điều kiện về nhà ở, cư trú và thu nhập. Việc này dẫn đến bất cập là những người thu nhập thấp, muốn thuê nhà ở xã hội (không mua bán, chuyển quyền sở hữu nhà ở) cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ chứng minh ba điều kiện nêu trên.

Ngoài ra, điều kiện về cư trú quy định “phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này” để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ của các địa phương có dự án nhà ở xã hội chỉ chăm lo nhà ở cho người dân, người lao động làm việc trên địa bàn đã không còn phù hợp trong tình hình mới, đồng thời phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.

Một dự án chung cư nhà ở xã hội tại Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN).

Với những lý do như trên, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm quy định về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo hướng:

Doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại theo quy định của Luật Nhà ở. Những doanh nghiệp, hợp tác xã này phải có hợp đồng thuê mặt bằng khu công nghiệp và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đó và phải có hợp đồng thuê, sử dụng lao động với các đối tượng quy định tại Luật Nhà ở.

Trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không cần đáp ứng các điều kiện như trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội. 

Mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ phải đảm bảo đồng thời hai điều kiện: về nhà ở (chưa có nhà ở, đất ở hoặc diện tích nhà ở bình quân đầu người dưới 10 m2) và về thu nhập (thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân).

Tại dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, bên cạnh nội dung về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã kiến nghị thí điểm nhiều nội dung khác liên quan đến quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư, quyền và ưu đãi chủ đầu tư, xác định giá bán,...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.