Phát biểu tại buổi làm việc chiều 19/7, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, Biển Hồ - Chư Đăng Ya là vùng tài nguyên đặc biệt quý hiếm, mang giá trị tự nhiên và văn hóa không chỉ của tỉnh mà còn ở tầm quốc gia. Vì vậy, quy hoạch cần thực hiện khẩn trương nhưng kỹ lưỡng, có tầm nhìn dài hạn, gắn với hạ tầng giao thông, mở rộng vùng bảo vệ cảnh quan để đảm bảo phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn tại buổi làm việc. (Ảnh: UBND tỉnh Gia Lai).
Theo Sở Xây dựng Gia Lai, khu vực quy hoạch rộng hơn 5.190 ha, bao gồm phường Thống Nhất và xã Biển Hồ, với hai điểm nhấn là khu sinh thái Biển Hồ phía Nam và miệng núi lửa Chư Đăng Ya phía Bắc. Khu vực sở hữu địa hình thuận lợi, cảnh quan đặc sắc với diện tích mặt nước lớn, đồi chè, núi lửa cổ cùng hệ thống di tích, danh thắng phong phú. Quỹ đất phát triển còn rộng, phù hợp cho xây dựng hạ tầng du lịch lâu dài. Vị trí cửa ngõ đô thị giúp kết nối giao thông thuận tiện, đồng thời vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống, có sức lan tỏa. Với tiềm năng đa dạng, khu vực được đánh giá có lợi thế phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm văn hóa đặc trưng Tây Nguyên.
Trên cơ sở định hướng đô thị và nông thôn, điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa và cấu trúc đô thị hình thành trong tương lai, dự kiến chia khu quy hoạch thành 5 phân khu chính gồm: khu du lịch Biển Hồ - du lịch văn hóa tâm linh; phân khu đô thị dịch vụ du lịch Chư Đăng Ya; phân khu du lịch chè Biển Hồ; phân khu đô thị cửa ngõ Bắc thành phố và phân khu đô thị sinh thái Biển Hồ A. Dự kiến chi phí thực hiện khoảng 5,2 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch tỉnh đề nghị lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín trước ngày 15/8, đồng thời tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng để sớm triển khai dự án sau quy hoạch.
Trước mắt, các sở ngành và hiệp hội du lịch được giao nghiên cứu tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật tại Chư Đăng Ya, tạo điểm nhấn thu hút khách và lan tỏa giá trị vùng đất. Tỉnh cũng tính đến phương án kêu gọi tài trợ cho công tác quy hoạch để tiết kiệm thời gian và gắn với nhu cầu thực tế.