Gia Lai sẽ có đường hơn 1.400 tỷ đồng nối QL 1 với cảng Đề Gi, dự kiến hoàn thành vào năm 2028

Đường nối từ quốc lộ 1 đến đường ven biển (ĐT 639) kết nối với Cảng Đề Gi có chiều dài hơn 17 km, với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.

Ban Quản lý Dự án các công trình Giao thông và Dân dụng tỉnh Bình Định cũ (nay là tỉnh Gia Lai sau sáp nhập Bình Định - Gia Lai cũ) vừa qua đã công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án tuyến đường nối từ quốc lộ 1 đến đường ven biển (ĐT 639) kết nối với Cảng Đề Gi.

Hiện trạng, tuyến đường ĐT 633 (Chợ Gồm - Đề Gi) kết nối từ QL 1 đến đường ven biển, chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp VI (bề rộng nền đường 6,5 m; mặt đường rộng 5,5 m), tuyến đi qua khu đông dân cư nhiều đường cong bán kính nhỏ không phù hợp với cấp đường quy hoạch, tiềm ẩn tai nạn giao thông cao.

Nhằm tăng cường khả năng lưu thông kết nối theo trục Đông - Tây khu vực, kết nối quốc lộ 1 xuống khu vực đầm Đề Gi và tuyến đường ven biển (ĐT 639), việc đầu tư xây dựng Tuyến đường kết nối QL 1 với đường ĐT 639 qua huyện Phù Cát cũ là cần thiết, góp phần từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ tỉnh theo quy hoạch.

 (Ảnh minh họa: VnEconomy).

Dài hơn 17 km, đi qua hai xã của tỉnh Gia Lai

Theo Ban QLDA các công trình giao thông và dân dụng tỉnh Bình Định (chủ dự án), tuyến đường nối từ quốc lộ 1 đến đường ven biển (ĐT 639) kết nối với Cảng Đề Gi thuộc địa phận hai xã Đề Gi và Hòa Hội, tỉnh Gia Lai, với tổng chiều dài hơn 17 km.

Điểm đầu của dự án nằm tại nút giao quốc lộ 1 (tại Km1188+070) và đường trục chính quy hoạch trung tâm xã Cát Hanh; điểm cuối nằm tại vị trí nút giao ĐT 633 với tuyến đường tránh ĐT 633, đoạn từ Núi Ghềnh đến giáp đường ven biển (ĐT 639).

 Hướng tuyến dự án. (Ảnh chụp từ văn bản).

Về hiện trạng quản lý, sử dụng đất, mặt nước của dự án, dự kiến tổng diện tích chiếm dụng khoảng 36bha, trong đó, đất lúa khoảng 8,5 ha; đất rừng sản xuất khoảng 7,5 ha; đất nông nghiệp khoảng 13 ha; đất ở khoảng 1 ha; các loại đất khác (đất đầm, đất nghĩa địa,..) khoảng 6 ha.

Việc đầu tư xây dựng dự án nhằm tăng cường khả năng lưu thông, kết nối từ tuyến đường ĐT 634, qua khu vực chợ Gồm đến khu vực đầm Đề Gi và đường ven biển (Cát Khánh) kết nối với Cảng Đề Gi.

Cùng với đó, tuyến còn kết nối cao tốc Bắc - Nam (tại nút giao liên thông Cao tốc Bắc - Nam và ĐT 634), tạo trục cảnh quan kết nối đường ĐT 634, cao tốc Bắc – Nam, quốc lộ 1 với ĐT 639 và Cảng Đề Gi.

Tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2028

Về quy mô xây dựng, tổng chiều dài tuyến đường đầu tư khoảng 17,3 km. Mặt cắt ngang 2 x 0,5 m (lề đường) + 2 x 3,5 m (mặt đường làn xe cơ giới) + 2 x 2 m (mặt đường làn xe thô sơ) = 12 m. Vận tốc thiết kế đạt 80 km/h.

Đầu tư xây dựng 9 công trình cầu (trong đó có một cầu vượt đường sắt Bắc – Nam). Tải trọng thiết kế HL 93.

Quy mô mặt cắt ngang cầu 2 x 0,5 m (lan can, gờ chắn) + 2 x 3,5 m (mặt đường làn xe cơ giới) + 2x2 m (mặt đường làn xe thô sơ) = 12 m. Kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.

Tiến độ thực hiện dự án này từ năm 2026 - 2028. Tổng mức vốn đầu tư của dự án này khoảng 1.432 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 507 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị 658 tỷ đồng; chi phí QLDA, Tư vấn đầu tư và chi phí khác khoảng 79 tỷ đồng và chi phí dự phòng 187 tỷ đồng.

Hệ thống giao thông của khu vực Phù Cát cũ được quy hoạch ra sao?

Theo Đồ án quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050, hệ thống giao thông đối ngoại của Phù Cát sẽ bao gồm nhiều tuyến đường mới được triển khai.

Đầu tiên, xây dựng tuyến đường vành đai về phía đông thị trấn Ngô Mây nhằm từng bước thay thế tuyến đường quốc lộ 1 hiện hữu (đường 3 Tháng 2), quy mô 4 - 6 làn xe; xây mới tuyến đường từ Khu công nghiệp Hòa Hội đến sân bay kết nối quốc lộ 19B, quy mô 4 - 6 làn xe (dự án được đề cập ở trên).

Tiếp đến là xây dựng đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài định hướng mở rộng quy mô 6 - 8 làn xe giai đoạn đến 2040. Đầu tư nâng cấp hệ thống đường tỉnh đi qua địa bàn huyện bao gồm: ĐT 633, ĐT 634, ĐT 638, ĐT 640.

Ngoài ra, bổ sung tuyến đường mới phía bắc huyện Phù Cát; chỉnh tuyến ĐT.633 hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến các khu dân cư hiện trạng, tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, quy mô tối thiểu 4 làn xe.

Phù Cát là một khu vực đồng bằng ven biển của tỉnh Bình Định trước sáp nhập, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển như: nuôi trồng thủy sản, du lịch biển,...và đang dần phát triển các khu, cụm công nghiệp về phía tây khu vực.

Song mạng lưới giao thông theo hướng bắc - nam của địa phương này chưa thể đáp ứng nhu cầu phát huy các lợi thế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương. Các trục giao thông chính của huyện đã hình thành theo hướng Bắc - Nam ngoài QL 1A còn có tuyến đường phía tây tỉnh Bình Định (ĐT 638) và đường ven biển, quy mô cao nhất cũng chỉ đạt cấp III đồng bằng với 2 làn xe cơ giới.

Theo quy hoạch chung, Phù Cát được xác định là khu vực kinh tế tổng hợp công nghiệp, thương mại, đô thị; dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Định.

Quy hoạch nêu rõ sẽ chia Phù Cát thành 3 phân vùng để phát triển, gồm: Phân vùng nông lâm ngư nghiệp và công nghiệp; Phân vùng công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ hậu cần sân bay; phân vùng đô thị, du lịch, dịch vụ, kinh tế biển.

chọn
Toàn cảnh Rivera Villas tại Đặc khu Phú Quốc ước tính sẽ đóng góp vào doanh thu 5.000 tỷ cho CIC Group
Rivera Villas được CIC Group khởi công vào 2023 với 70 căn biệt thự liền kề, nằm gần trung tâm Đặc khu Phú Quốc. Lãnh đạo CIC cho biết, hai dự án Rivera Villas và Royal Villas (dự án Búng Gội) theo kế hoạch đầu tư còn hơn 5.000 tỷ đồng doanh thu.