Sau những cái tên như Dương Trí Dũng, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy và mới đây nhất là Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” bỏ trốn ra nước ngoài trước khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, dư luận không khỏi nghi ngại về những cuộc đào tẩu ngay giữa thanh thiên bạch nhật.
Vũ "nhôm" khi chưa bị khởi tố. |
Phát lệnh truy nã quốc tế cũng đồng nghĩa với việc các cơ quan thực thi pháp luật sẽ phải vượt qua tầng tầng, lớp lớp những khó khăn để đưa tội phạm về nước quy án. Vẫn biết lưới trời lồng lộng, trốn đâu cho thoát nhưng ngay cả khi đã phát hiện đối tượng thì việc dẫn độ về nước cũng không dễ dàng.
Khó khăn trong thủ tục pháp lý đã đành, những đối tượng này còn trở thành lực cản trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Nhưng trên hết, niềm tin của nhân dân có phần giảm sút khi các cơ quan chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nói rằng: Chúng ta có lực lượng công an tinh nhuệ với những chiến công hiển hách, vậy tại sao vẫn có những cuộc ra đi êm ái theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” để phải phát lệnh truy nã quốc tế? Đây cũng là câu hỏi chung của cử tri và nhân dân cả nước.
Vậy, lỗ hổng ở đâu? Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm “Việc cơ quan công an chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng nêu trên là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”. Quy định mà Bộ trưởng nói ở đây là điều 21, Nghị định 136 năm 2007 của Chính phủ, trong đó quy định 7 trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh. Đối chiếu các quy định này thì rõ ràng, những trường hợp ra đi trót lọt như vừa qua vì tại thời điểm xuất cảnh, họ không thuộc diện “truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm” vì Cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án hình sự.
Lỗ hổng này đã có giải pháp. Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, quá trình xây dựng Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), Bộ công an đã kiến nghị bổ sung Điều 124 về tạm hoãn xuất cảnh.
Theo đó, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, qua điều tra xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện và xét thấy cần ngăn chặn việc bỏ trốn ra nước ngoài hoặc tiêu hủy chứng cứ thì kiến nghị bổ sung các quy định về giám sát. Đặc biệt, đối với các đối tượng phạm tội, có dấu hiệu phạm tội liên quan đến kinh tế, tham nhũng thì cho phép được áp dụng các biện pháp tố tụng đặc biệt để xử lý.
Mọi việc đều có thể giải quyết, mọi lỗ hổng đều có thể bịt kín nếu thực sự quyết tâm. Ở quốc gia láng giềng Trung Quốc, giới chức nước này cũng từng đau đầu vì nạn quan tham trốn ra nước ngoài. Nhưng giờ đã khác. Kể từ năm 2014, một chiến dịch mang tên “Lưới trời” đã được giăng ra bằng việc thành lập Văn phòng truy bắt tội phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài ở Trung ương và địa phương, tiến hành bủa lưới toàn diện, đánh bắt trọng điểm.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua việc ký kết các Hiệp ước dẫn độ, Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, Hiệp định hợp tác trao đổi thông tin tình báo về tài chính với rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới… Kết quả là gần 3600 tội phạm tham nhũng chạy trốn ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bị đưa về nước quy án từ năm 2014 đến tháng 10/2017, trong đó khoảng 700 người là cán bộ nhà nước.
Đối với Việt Nam, hiện chúng ta đã ký kết một số Hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về dẫn độ với một số quốc gia nhưng con số này vẫn còn hạn chế. Đây cũng là khó khăn trong công tác điều tra, truy bắt tội phạm thuộc diện truy nã quốc tế.
Bịt lỗ hổng bằng luật pháp, bằng sự vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả của các cơ quan chức năng, bằng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác điều tra, truy bắt tội phạm…
Đó là đòi hỏi tất yếu để đối tượng không dám và không thể bỏ trốn dễ dàng như thời gian vừa qua./.
ICA Singapore thẳng thừng từ chối luật sư của Vũ ‘nhôm’
Cục Xuất nhập cảnh (ICA) Singapore ngày 4/1/2018 có văn bản trả lời Công ty Luật Peter Low & CHOO LLC, cụ thể là Giám ... |