Apple chuyển hướng, đặt trọng tâm vào phần mềm.
Liên tiếp những tháng cuối năm 2018 đầu năm 2019, những số liệu báo cáo cho thấy doanh số mảng phần cứng của Apple đang lao dốc không phanh.
Mặc cho những nỗ lực của Apple như giảm giá bán tại Trung Quốc và Mỹ, chấp nhận thua kiện bồi thường thiệt hại để tiếp tục bán iPhone ở Đức,…nhằm cứu vãn tình hình nhưng cũng không đem lại kết quả khả quan.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Apple ra mắt các sản phẩm phần cứng của mình như iPad, iMac,… một cách âm thầm, không kèn không trống và không phải ở trong một sự kiện chính thức.
Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, sự kiện thường niên 25/3 Apple không giới thiệu bất kì một thiết bị phần cứng nào. Trong suốt hai giờ đồng hồ, những người lãnh đạo cao nhất của Apple say sưa nói về những dịch vụ như như Apple News Plus, Apple TV Plus, Apple Pay và Apple Arcade.
Với doanh thu 10,9 tỉ đôla, vượt qua tất cả các mảng phần cứng trong quí cuối cùng năm 2018 đã khiến mảng dịch vụ trở thành "con gà đẻ trứng vàng" của Apple. Hơn 900 triệu thiết bị iPhone ở thời điểm hiện tại, phần cứng đã trở thành bệ phóng hoàn hảo cho mảng phần mềm gặt hái doanh thu.
Khi doanh thu phần cứng đến từ iPhone, iPad… đã chững lại thì những dịch vụ trả phí như App Store, Apple Music,…nói cách khác là các dịch vụ số lại mới đang trên đà phát triển, còn rất nhiều tiềm năng khai thác.
Các dịch vụ tin tức và truyền hình mới của Apple sẽ tính phí với nội dung do Apple sản xuất và các mạng truyền hình đối tác. Trong số đó gồm có các chương trình của HBO, Showtime và Starz.
Người dùng sẽ mất phí thuê bao 9,99 đô la/tháng, khoảng 230.000 đồng cho mỗi dịch vụ này trên Apple TV. Ngoài ra, dịch vụ đọc tin tức mới của Apple cũng sẽ có phí thuê bao tương tự, bao gồm hơn 300 tờ báo tin tức và tạp chí trên khắp thế giới.
Giới phân tích nhận định rằng các mảng dịch vụ mới này sẽ là con át chủ bài của Apple trong thời gian tới chứ không phải là các thiết bị phần cứng.
Apple không đơn độc. (Ảnh: CNBC).
Trong những ông trùm của thung lũng Silicon có lẽ Apple là kẻ duy nhất thành công nhờ phần cứng. Tuy nhiên điều này đang dần thay đổi khi phần cứng trở nên bão hòa và Apple muốn trở về cuộc đua phần mềm của những ông lớn.
Google sống được nhờ mảng quảng cáo và dịch vụ của mình như tìm kiếm, map, YouTube. Mới đây nhất, Google cho ra mắt dịch vụ chơi game trực tuyến với tên gọi Stadia nhằm chiếm lĩnh thị trường dịch vụ game vẫn đang bị kiểm soát bởi Sony và Microsoft.
Microsoft, một cựu vương của làng công nghệ cũng trở lại cuộc chơi đầy ngoạn mục với mảng dịch vụ đám mây và cung cấp phần mềm cho mọi nền tảng, thậm chí cả nền tảng đối thủ.
Amazon, một trong số những công ty nghìn tỉ của thế giới với những gian hàng bán lẻ điện tử của mình đang đẩy mạnh hơn những phương thức giao dịch không dùng tiền mặt hay mua hàng với sự giúp đỡ của trí tuệ nhân tạo AI.
Facebook, gã khổng lồ mạng xã hội, ngoài việc sống được nhờ quảng cáo và bán dữ liệu người dùng cho bên thứ ba thì mới đây cũng có tham vọng trở thành "WeChat của phương Tây", kiểm soát mọi hoạt động giao dịch mua bán của người dùng thông qua ứng dụng WhatsApp.
"Apple của châu Á", Xiaomi bán phần cứng rẻ như cho cũng với mục đích kiếm tiền trên các dịch vụ internet mà người dùng phần cứng của hãng sử dụng.
Blackberry cũng từ bỏ mảng phần cứng để tập trung vào dịch vụ bảo mật cho các doanh nghiệp, từ đó mà sống sót, tránh được sự phá sản.
Sony, ông hoàng điện thoại của Nhật Bản cũng sống được nhờ mảng dịch vụ của mình, mặc cho sự suy giảm doanh số phần cứng diễn ra trong nhiều năm liền.
Để có thể thấy được rằng gần như các ông lớn đang tìm cách thoái lui trước mảng phần cứng được cho là sẽ không thể sinh lời và kém kém hấp dẫn. Thay vào đó, tất cả đều đang trong cuộc chạy đua trên đường chạy mới mang tên dịch vụ để tạo ra những sản phẩm có tỉ suất lợi nhuận lớn hơn.
Và rõ ràng, Apple không thể đứng ngoài cuộc đua đó!