Hai ngày nay, nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ gọi món Lala đã không thể truy cập được ứng dụng của hãng này. Cụ thể, trên ứng dụng dành cho khách hàng, tất cả thông tin về ứng dụng, cửa hàng, định vị, lịch sử giao dịch cũng đều bị vô hiệu hóa.
Trước khi đột ngột “biến mất”, Lala không có bất kỳ thông báo nào về việc gián đoạn dịch vụ, bảo trì hệ thống hay “tạm ngưng” dịch vụ một thời gian, như một số ứng dụng khác để khách hàng yên tâm.
Ngoài ra, hiện ứng dụng Lala Food Delivery không còn được hiển thị tìm kiếm trên Google Play hay Apple Store. Fanpage chính của hãng này cũng đã bị đóng.
Ứng dụng gọi món Lala đột ngột biến mất sau thời gian tung hàng loạt chương trình khuyến mãi sốc. |
Trong khi đó, tại website của hãng là lala.vn, tính năng gọi món trực tuyến như các ứng dụng khác cũng đã không còn. Thay vào đó, hãng này giới thiệu đơn giản về công ty, đặc biệt nhắm tới các đơn vị bán hàng hơn là người dùng cuối là người mua như trước.
Việc Lala đột ngột biến mất rất khó hiểu, bởi vài tháng trước, khi Go-Viet chính thức nhảy vào thị phần giao nhận thức ăn và Grab cũng tung khuyến mãi, thì Lala đã tăng tốc trong cuộc đua “đốt tiền” này bằng những món ăn 0 đồng, giảm giá 50%, miễn phí giao hàng. Tuy nhiên kể từ tuần này, Lala bắt đầu tạm ngưng khuyến mãi.
Ứng dụng gọi món Lala bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2017. Thời điểm đó, Lala được đánh giá khá cao vì là ứng dụng gọi món của AhaMove thuộc Scommerce Group, đơn vị sở hữu Giao Hàng Nhanh - hãng vận chuyển đứng thứ 2 trong thị trường giao nhận thương mại điện tử hiện nay, với gần 10.000 shipper. Ngoài ra, số cửa hàng cũng phong phú, khi lên đến con số 7.000 của iPOS.
Lala được biết đến là đơn vị giao đồ ăn với thời gian 30 phút.
Lala không phải là "tay chơi" đầu tiên biến mất khỏi thị trường giao nhận thức ăn Việt Nam. |
Thực tế, nếu Lala rút khỏi thị trường giao nhận thức ăn tại Việt Nam thì đây không phải là “tay chơi” biến mất đầu tiên.
Trước đó, Foodpanda - đơn vị hoạt động tại hàng chục quốc gia khắp thế giới, cũng đã thất bại tại Việt Nam. Hãng này cuối cùng đã phải chấp nhận bán lại cho Vietnammm sau 3 năm đặt chân vào thị trường gọi món.
Ngoài gọi xe công nghệ, dịch vụ gọi món cũng được xem là miếng bánh hấp dẫn tại Việt Nam hiện nay, với nhiều tay chơi liên tiếp nhảy vào. Hiện các hãng như Now, Vietnammm, Go-Food, GrabFood cũng đang “đốt tiền” trong cuộc đua này để giành giật thị phần. Dù không thể biết trước hiệu quả ra sao nhưng thực tế, miếng bánh này với các doanh nghiệp là không “dễ nuốt”.