VCBS: Áp lực cạnh tranh tiếp tục gia tăng trong năm 2023 đối với các DN xây dựng dân dụng

VCBS dự báo nhu cầu xây dựng dân dụng sẽ tiếp tục thấp trong năm 2023, do đó gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng dân dụng.

Nhu cầu thấp, áp lực cạnh tranh gia tăng

Nguồn cung căn hộ trong 9 tháng đầu năm 2022 tại Hà Nội và TP HCM tương đối hạn chế, phần lớn là hàng tồn kho tại các dự án trước đó, qua đó đặt ra áp lực cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng.  

Nguyên nhân là các vướng mắc pháp lý kéo dài, chính quyền các cấp có xu hướng hoãn phê duyệt các dự án nhà ở trong giai đoạn xây dựng bộ luật mới; nhiều dự án cần chờ quy hoạch chung tại các địa phương giai đoạn 2021 – 2030 để có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư, nguồn tín dụng bị thắt chặt và mặt bằng lãi suất tăng cao gây khó khăn cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Nguồn: VCBS.

Các nhà thầu xây dựng đang đẩy mạnh gia tăng độ phủ và khả năng cung cấp dịch vụ tại các tỉnh thành ngoài các trung tâm lớn như Hà Nội và TP HCM do khan hiếm quỹ đất tại khu vực nội thành cùng xu thế giãn dần mật độ dân cư tại đô thị lớn; khó khăn pháp lý kéo dài tại đô thị lớn.

Giá nguyên vật liệu tăng mạnh, song các nhà thầu xây dựng dân dụng gặp nhiều khó khăn để đẩy áp lực vào đơn giá hợp đồng do điều khoản bù trừ trượt giá trong hợp thường được quy định trong một khung giá; nhiều chủ đầu tư và thầu phụ gặp khó khăn tài chính, đẩy áp lực cho các doanh nghiệp tổng thầu.

Bên cạnh đó, số dư phải thu liên quan đến các hợp đồng xây dựng và thời gian thu hồi công nợ có xu hướng gia tăng do chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thanh toán theo tiến độ. Vì vậy, áp lực về dòng tiền cho các nhà thầu xây dựng và rủi ro nợ xấu gia tăng.

Trước bối cảnh nhu cầu tăng trưởng thấp và áp lực cạnh tranh gay gắt, nhiều DN xây dựng dân dụng chủ động điều chỉnh chiến lược để duy trì kết quả kinh doanh và tính cạnh tranh trên thị trường.

Đơn cử như Coteccons tham gia sâu vào lĩnh vực thi công hạ tầng công nghiệp, mở rộng đối tượng khách hàng, chấp nhận các gói thầu có quy mô bé hơn; tham gia lĩnh vực đầu tư. Hay Hoà Bình mở rộng cung cấp dịch vụ ra thị trường quốc tế; Hưng Thịnh Incons cung cấp dịch vụ cho các công trình ngoài hệ thống tập đoàn Hưng Thịnh và gia nhập thị trường xây lắp hạ tầng giao thông...

Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trong năm 2023, kỳ vọng giảm giá vật liệu giúp cải thiện biên lợi nhuận

Trong năm 2023, hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng dự báo vẫn ở mức thấp bởi số dự án được cấp phép trong 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận mức thấp nhất trong 4 năm, thị trường bất động sản đi vào giai đoạn trầm lắng và nguồn vốn phát triển dự án của các chủ đầu tư thu hẹp.  

So với phân khúc nhà ở thương mại, hoạt động xây dựng các dự án văn phòng, trung tâm thương mại tương đối bền vững hơn nhờ sự hồi phục các hoạt động kinh tế sau đại dịch. Các dự án văn phòng và thương mại sẽ bù đắp một phần sự sụt giảm trong khối lượng thi công xét do quy mô thấp so với mảng nhà ở thương mại và thời gian hoàn thiện pháp lý, phát triển dự án thường kéo dài.

Ngoài ra, tình hình cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng dự báo vẫn gay gắt và nhiều khả năng sẽ trở thành mức bình thường mới trong 1-2 năm tới, bởi nguồn cung dự án và nhu cầu xây dựng thấp, các nhà thầu có áp lực nhận thầu bằng mọi giá để duy trì bộ máy do các chủ đầu tư các dự án quy mô lớn có xu hướng sử dụng dịch vụ của nhiều nhà thầu tại các phân khu/gói thầu khác nhau.

Trong năm 2023, một lượng đáng kể trái phiếu sẽ bắt đầu đáo hạn và tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp cũng phải sắp xếp nguồn tài chính để mua lại trước hạn các khoản trái phiếu đã phát hành để tránh rủi ro pháp lý.

Nhiều chủ đầu tư có thể thiếu hụt dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng và tiến độ thanh toán cho các nhà thầu. Do đó, áp lực trích dự phòng phải thu tại các doanh nghiệp xây dựng nhiều khả năng sẽ thể hiện mạnh mẽ từ giữa năm 2023, khi các khoản phải thu xây dựng quá hạn thanh toán trên 6 tháng.

Khó khăn trong thu hồi công nợ sẽ ảnh hưởng lớn đến vị thế tài chính và thanh khoản của các doanh nghiệp xây dựng khi phần lớn các nhà thầu phải sử dụng nợ vay để tài trợ cho hoạt động thi công.  

Song, VCBS cũng cho rằng, các doanh nghiệp xây dựng dân dụng (đặc biệt các dự án cao tầng) và xây dựng công nghiệp sẽ được hưởng lợi đáng kể từ việc giá vật liệu đi xuống do các nguyên liệu thép/ tôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí. Biên lợi nhuận dự kiến sẽ có sự cải thiện khi hợp đồng với các nhà cung cấp được điều chỉnh theo đơn giá mới.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.