Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi với báo chí ngày 6/1.
Theo người đứng đầu ngành Công Thương, điều lo ngại không chỉ là những giá trị rất lớn của các dự án đó sẽ bị lãng phí, cái lớn hơn cả là phải tìm ra được căn nguyên, căn bệnh của các dự án để có biện pháp xử lý và khắc phục. Việc xử lý, khắc phục không chỉ bằng giải quyết đơn thuần các dự án đó mà chúng ta phải rút ra bài học kinh nghiệm để hoàn thiện về thể chế, pháp luật để ngăn ngừa, đảm bảo không xảy ra các tình trạng tương tự đối với các nguồn lực công, nguồn lực của Nhà nước.
“Cần tìm ra các giải pháp để giải quyết những tồn đọng tại các dự án thua lỗ. Những dự án không còn khả thi về mặt kinh tế, thương mại và kỹ thuật tồn tại từ nhiều năm nay để tránh xảy ra những thất thoát tài sản Nhà nước. Đến nay Chính phủ đã có những bước đi cụ thể, có quyết định thành lập ban chỉ đạo, Bộ Công Thương cũng lập ban chỉ đạo để giải quyết dứt điểm các tồn đọng này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo ông Trần Tuấn Anh, tới đây sẽ tổ chức, đánh giá toàn diện giá trị tài sản của các dự án cũng như tính khả thi, hiệu quả của dự án về mặt kinh tế để xác định những giải pháp, thu hồi lại tài sản Nhà nước. Nếu dự án còn khả thi, có cơ hội hồi phục và phát triển, sẽ có các giải pháp để thực hiện, nếu không sẽ phải căn cứ quy định để thu hồi tài sản với giá trị cao nhất. “Sẽ xem xét làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tập thể đơn vị có liên quan đến các dự án đó, từ đó căn cứ các khung pháp lý để có biện pháp xử lý phù hợp về mặt trách nhiệm”, ông Trần Tuấn Anh nói.