Vì sao bổ sung vụ Nhật Cường vào diện Trung ương theo dõi?

Bộ trưởng Công an giải thích Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng không chỉ xử lý vấn đề liên quan đến tham nhũng, mà kể cả những vụ dư luận, xã hội quan tâm.

Vụ Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và Rửa tiền xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp và Dịch vụ kĩ thuật Nhật Cường và các đơn vị có liên quan vừa được quyết định bổ sung vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Nói với Zing.vn về động thái này, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, cho biết việc bổ sung vụ án này vào diện Ban chỉ đạo, theo dõi nhằm tập trung vào điều tra, xử lí và xem xét vụ án.

Vì sao bổ sung vụ Nhật Cường vào diện Trung ương theo dõi? - Ảnh 1.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. (Ảnh: Hải Quân).

Nhiều ý kiến băn khoăn khi 3 hành vi bị khởi tố trong vụ án này (gồm Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền) không có hành vi nào liên quan đến nhóm tội tham nhũng, nhưng lại được bổ sung vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo. Bộ trưởng Công an giải thích ngoài vấn đề liên quan đến tham nhũng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng còn tập trung chỉ đạo, xử lý những vụ án dư luận, xã hội quan tâm.

Theo chức năng, nhiệm vụ được quy định, một trong những nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra trong phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo, đôn đốc điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Vì sao bổ sung vụ Nhật Cường vào diện Trung ương theo dõi? - Ảnh 2.

Một cửa hàng của Nhật Cường ở Hà Nội đóng kín cửa từ khi vụ án bị khởi tố đến nay. (Ảnh: Hoàng Đông).

Liên quan đến vụ án này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 10 bị can về các tội danh Buôn lậu và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, bị khởi tố về cả hai tội danh trên.

Căn cứ kết quả điều tra mở rộng, cơ quan điều tra xác định ngoài hành vi đã bị khởi tố, bị can Bùi Quang Huy còn có hành vi sử dụng tiền do phạm tội Buôn lậu đưa vào Công ty Nhật Cường và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi. Việc này có dấu hiệu tội phạm Rửa tiền.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sau đó đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với bị can Bùi Quang Huy về tội Rửa tiền.

Bộ Công an đã truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế đối với bị can Bùi Quang Huy. Bị can Ngô Xuân Sử, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Sơn, cũng bị truy nã về tội danh Buôn lậu. Các bị can còn lại đang bị tạm giam.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tập trung điều tra mở rộng vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và những người có liên quan; thu giữ vật chứng và xác minh thu hồi, kê biên triệt để tài sản cho Nhà nước.

Việc dàn lãnh đạo Nhật Cường bị khởi tố gây xôn xao dư luận vì tại Hà Nội. Công ty này tham gia xây dựng 126 dịch vụ công, phục vụ hàng triệu người dân Hà Nội như xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online và đặc biệt là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp, phần mềm quản lý tội phạm.

Nhóm khách hàng khối cơ quan, Nhà nước của công ty bao gồm UBND Hà Nội, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công Thương, Sở Tư pháp và một số cơ quan khác.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.