Vì sao phải tăng vốn điều lệ cho Agribank?

Nếu được tăng vốn trong năm nay, từ năm 2021, doanh thu Agribank sẽ tăng thêm từ 4.500-5.000 tỉ đồng. Ngược lại, ngân hàng sẽ phải giảm dư nợ cho vay xuống còn 4,5-5%, tương đương giảm 60.000 tỉ đồng.

Đầu năm nay, Chính phủ ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, trong đó có mục tiêu đến cuối năm sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Mới đây, Chính phủ cũng trình Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này.

Theo Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, gián tiếp ảnh hưởng an toàn trong hoạt động toàn ngành nếu không được tăng vốn điều lệ.

Vì sao phải tăng vốn điều lệ cho Agribank?

Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Agribank là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Những năm gần đây, kết quả hoạt động của ngân hàng có những cải thiện rõ nét, đóng góp lớn cho Ngân sách Nhà nước.

Vì sao phải tăng vốn điều lệ cho Agribank? - Ảnh 1.

Theo bà Nguyễn Thị Phượng, nếu Agribank được tăng vốn trong năm nay, từ năm 2021, doanh thu sẽ tăng thêm từ 4.500-5.000 tỉ đồng. (Ảnh: VGP).

Cụ thể, giai đoạn năm 2017-2019, lợi nhuận Agribank năm sau cao hơn năm trước. Năm 2019, tổng lợi nhuận trước thuế tăng đến 92%, tức gần gấp đôi với năm 2018, đạt 14.117 tỉ đồng. Riêng năm 2019 nộp ngân sách 6.300 tỉ đồng.

Trong khi đó, nhiều năm qua, ngân hàng chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỉ lệ an toàn vốn của ngân hàng bị suy giảm.

Theo chuẩn mực vốn Basel II, tỉ lệ an toàn vốn của Agribank thời điểm 31/12/2019 chỉ đạt 7,3%; thời điểm 31/3/2020 chỉ đạt 6,9% (không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định).

Để đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II, mức vốn tự có thiếu hụt của Agribank giai đoạn 2019-2021 là rất lớn. Do chưa đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II nên ngân hàng đang được NHNN cho phép thực hiện tỉ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 22. 

Cuối quý I/2020, tỉ lệ an toàn vốn của Agribank theo Thông tư 22 chỉ đạt 9,2%, đã sát ngưỡng tối thiểu quy định 9%. Lãnh đạo Agribank cho biết để đáp ứng quy định tại Thông tư 22 dù đã áp dụng tất cả các giải pháp tăng vốn từ lợi nhuận hàng năm, phát hành trái phiếu… nhưng vẫn cần được Nhà nước cấp bổ sung ngay trong năm 2020.

Mới đây, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 4/2020, Chính phủ đã thống nhất về phương án trình Quốc hội xem xét thông qua việc bố trí nguồn ngân sách nhà nước tăng vốn điều lệ cho Agribank. 

Theo đó, mức tăng vốn điều lệ tương ứng với lợi nhuận năm 2020 Agribank nộp ngân sách nhà nước, tối đa 3.500 tỉ đồng. Khoản này không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vì sao phải tăng vốn điều lệ cho Agribank? - Ảnh 2.

Vốn điều lệ Agribank trong 3 năm trở lại đây hầu như không thay đổi nhiều. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng nhận định nếu không tăng vốn điều lệ ngay trong năm nay thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp. Các chỉ tiêu tăng trưởng của Agribank bị ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Tác động của việc tăng vốn điều cho Agribank

Theo lãnh đạo Agribank, trường hợp không được cấp đủ 3.500 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ trong năm 2020, ngân hàng sẽ phải giảm dư nợ cho vay xuống còn 4,5-5%, tương đương giảm 60.000 tỉ đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn khách hàng không có cơ hội tiếp cận vốn, trong khi đó chỉ riêng hỗ trợ hộ sản xuất và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank đã cần phải tăng trưởng tín dụng ở mức 9%, tương đương 100.000 tỉ đồng, chưa kể cho vay khác phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Năm 2020, Agribank vẫn phấn đấu đạt lợi nhuận trên 11.000 tỉ đồng, lợi nhuận nộp ngân sách tối thiểu đạt 3.500 tỉ đồng, chưa bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vì sao phải tăng vốn điều lệ cho Agribank? - Ảnh 3.

Lợi nhuận Agribank năm 2019 tăng ấn tượng, gần gấp đôi so với năm 2018. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

Nếu được tăng vốn trong năm nay, lãnh đạo Agribank cho biết năm 2021 và các năm tiếp theo, ngân hàng sẽ có điều kiện phát hành bổ sung trái phiếu tăng vốn (50% vốn cấp I tăng thêm), tạo điều kiện tăng dư nợ cho vay tương ứng, doanh thu tăng thêm từ 4.500-5.000 tỉ đồng. 

Theo đó, Agribank sẽ tăng nộp ngân sách nhà nước tương ứng 900-1.000 tỉ thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận còn lại khoảng 1.000-1.200 tỉ đồng. Mặt khác, tạo điều kiện để ngân hàng hoàn thành các mục tiêu theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, tạo đà để tăng trưởng, tạo điều kiện thuận lợi cổ phần hóa và gia tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa.

Với Agribank, các chỉ số sinh lời những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực, tăng đều qua các năm. ROE tăng từ 5,91% năm 2014 lên 17,6% năm 2019; ROA tăng từ 0,35% năm 2014 lên 0,81% năm 2019. Lãnh đạo Agribank cho rằng việc đầu tư vào ngân hàng quốc doanh đều đặn sinh lời, hàng năm góp hàng nghìn tỉ đồng tiền thuế, cổ tức cho ngân sách.

Dự kiến, tại kì họp Quốc hội lần này, Chính phủ sẽ trình thông qua việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Cụ thể, sáng 8/6, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa ủy quyền của Thủ tướng sẽ trình bày tờ trình về vấn đề tăng vốn cho Agribank trước toàn thể Quốc hội.