Việt Nam có bao nhiêu hãng hàng không là vừa?

Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là khá “béo bở” và được nhiều nhà đầu tư quan tâm, song việc sắp tới khi nào sẽ có thêm một hãng hàng không tham gia thị trường vẫn còn là dấu hỏi.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và nhà đầu tư, dư địa cho phát triển hàng không tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều và là cơ hội cho các nhà đầu tư tại lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ này.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Du lịch cuối năm 2018, ông Trần Trọng Kiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, cho rằng ngành hàng không còn dư địa tăng trưởng rất lớn. So với một số nước có thị trường du lịch lớn như Thái Lan thì số hãng hàng không thường lệ của Việt Nam chưa bằng 1/3 (Thái Lan có 13 hãng thường lệ và 10 hãng thuê chuyến). Ông Kiên kiến nghị Việt Nam nên tạo cơ hội cấp phép thêm nhiều hãng hàng không mới để tham gia thị trường.

Việt Nam có bao nhiêu hãng hàng không là vừa? - Ảnh 1.

Với tốc độ tăng trưởng 2 con số, thị trường hàng không trong nước còn nhiều dư địa cho các hãng hàng không - Ảnh minh họa

Trước đó, năm 2017, ông Trần Trọng Kiên đã nói về kế hoạch cất cánh đầu năm 2018 của hãng hàng không liên doanh với AirAsia mà ông dự kiến sẽ làm CEO song sau đó, những thông tin về cấp phép bay hay kế hoạch bay của hãng hàng không này chưa xuất hiện.

Hiện thị trường hàng không Việt Nam có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ và 5 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airlines, Vasco và Bamboo Airways. Tại thị trường quốc tế, 68 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác gần 130 đường bay quốc tế giữa Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng và 28 quốc gia/vùng lãnh thổ. Đối với thị trường nội địa, 5 hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác hơn 50 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và HCM với 18 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc.

Đầu năm nay, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông Việt Nam (Vietravel) đã gửi Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên - Thuế đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Dự kiến, hãng hàng không của Vietravel sẽ đặt trụ sở tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trong khi đó, nộp đơn xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không trước Bamboo Airlines hơn 2 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin về thời hạn cất cánh chuyến bay đầu tiên của Công ty TNHH một thành viên Hàng không Vietstar (Vietstar Airlines).

Vietstar có trụ sở chính tại TP HCM, được thành lập từ 3 cổ đông chính là: Công ty Sửa chữa máy bay A41 (Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc Phòng), Công ty Cổ phần Hàng không Ngôi Sao Việt và Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Tín Thành.

Được biết, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air chỉ được xem xét sau khi việc mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cơ bản hoàn thành.

Khi nào có thêm hãng hàng không mới?

Một nguồn tin nhận định trong vòng 2 năm tới sẽ có thêm hãng hàng không nội. 

Về số lượng các hãng hàng không Việt Nam còn khá ít so với các nước trong khu vực, một nguồn tin cho rằng việc thành lập các hãng hàng không còn liên quan đến nhiều yếu tố. Hiện cơ sở hạ tầng hàng không còn nhiều hạn chế. Số lượng các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam rất lớn, một số sân bay đang đối mặt với tình trạng quá tải.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, lượng máy bay quốc tịch Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, hiện đã có hơn 220 chiếc máy bay quốc tịch Việt Nam và trong quý I/2019 có thể có 20 máy bay vào thêm. 10 máy bay phải có ít nhất một giám sát viên bay, còn nếu chủng loại máy bay mới thì chỉ 1 chiếc cũng phải có giám sát viên riêng. Do đó, số lượng giám sát viên máy bay cũng phải tăng thêm. Trong khi đó, việc xin tăng biên chế cho lực lượng giám sát viên bay còn khó khăn.

Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam chỉ có gần 30 giám sát viên bay, đáp ứng 30%, còn lại là thuê phi công kỳ cựu của các hãng. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) khuyến cáo để giữ chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) mà Việt Nam vừa đạt được vào tháng 2/2019, về lâu dài phải bảo đảm số lượng giám sát viên trong biên chế chứ không được thuê.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhận định thời gian vừa qua, hàng không Việt Nam tăng trưởng cao hơn nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, về số lượng hãng hàng không còn phải cân nhắc, còn tuỳ thuộc năng lực quản lý an ninh, an toàn. Không phải cứ nhiều hãng hàng không là tốt. 

Qua gặp và trao đổi với Cục trưởng Cục hàng không Hàn Quốc, Tổng Cục phó Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc…, có thể thấy những vấn đề hàng không Việt Nam đang gặp phải cũng tương tự như những nước này. Đơn cử như việc tranh giành nhân viên của hãng hàng không mới với hãng khai thác trước đó trong khi nguồn nhân lực có hạn. Hàn Quốc hiện có 12 hãng hàng không. Chính phủ Hàn Quốc cũng có dự định tăng số hãng vì liên quan đến việc làm nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn, vì còn liên quan đến năng lực quản lý, vấn đề an toàn. Trung Quốc có 60 hãng hàng không, hiện cũng đang hạn chế lại.

"Các nước đánh giá Việt Nam quản lý như thế là chuẩn. Tôi cũng nói thẳng rằng thà có 5-6 hãng hàng không khoẻ còn hơn có 20 hãng hàng không yếu, vấn đề là lựa chọn cách nào"- Cục trưởng Cục Hàng không bày tỏ.

Liên tục tăng trưởng 2 con số

Những năm qua, ngành hàng không Việt Nam phát triển với tốc độ tăng trưởng cao tới 2 con số. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trườnghàng không Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.

Trong giai đoạn 2010-2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đạt 16,64%/năm về hành khách, 14%/năm về hàng hoá. Tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không đạt 16,91%/năm về hành khách, 13%/năm về hàng hóa. Sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt 17,3%/năm về hành khách, 8%/năm về hàng hóa.

Thị trường hàng không Việt Nam năm 2018 tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, theo đó, sản lượng hành khách thông qua ước đạt 106 triệu lượt hành khách tăng 12,9% và sản lượng hàng hóa ước đạt gần 1,5 triệu tấn hàng hóa tăng 7,7% so với năm 2017. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt trên 50 triệu hành khách tăng 14% và gần 400.000 tấn hàng hóa tăng 26% so với năm 2017.

Tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam năm 2018 ước đạt 71,4 triệu khách, tăng 15% so năm 2017.

Cuối năm 2018, 2 hãng hàng không có thị phần lớn nhất tại Việt Nam là Vietnam Airlines và VietJet Air đều công bố kết quả kinh doanh ấn tượng. Tổng doanh thu hợp nhất Vietnam Airlines lần đầu tiên vượt mức hơn 100.000 tỉ đồng, ước đạt khoảng 102.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt gần 2.800 tỉ đồng, tăng 15% so với kế hoạch. Tổng doanh thu của Vietjet Air đạt 52.400 tỉ đồng, tăng 24% so với năm trước và đạt 103% so với kết hoạch; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 5.830 tỉ đồng. Doanh thu vận tải hàng không đạt 33.815 tỉ đồng.

Đáng chú ý là thị phần bay của Vietjet Air tăng rất mạnh và tháng 2 vừa qua, tổng số chuyến bay của Vietjet Air đạt 12.442 chuyến vượt số chuyến bay của Vietnam Airlines (12.063). Số chuyến bay của Jetstar Pacific là 3.291, Vasco có 1.060 chuyến và Bamboo Airways 507 chuyến.


chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.