Khi gặp vấn đề với một phần mềm hoặc ứng dụng nào đó, bạn đã từng nhận được lời khuyên "xóa cache ứng dụng" hoặc "xóa dữ liệu ứng dụng" bao giờ chưa? Đó là hai biện pháp được dùng để khôi phục ứng dụng về trạng thái mặc định ban đầu, từ đó giúp khắc phục một số lỗi trong quá trình sử dụng.
Mặc dù khá giống nhau nhưng "xóa cache ứng dụng" và "xóa dữ liệu ứng dụng" vẫn có một số điểm khác biệt nhất định. Nhà báo Scott Adam Gordon tới từ trang công nghệ AndroidPit vừa có một bài giải thích về sự khác nhau giữa hai khái niệm này, VnReview xin dịch lại để bạn đọc tham khảo:
Bộ nhớ cache là nơi lưu trữ tạm thời của thiết bị dành cho một số loại dữ liệu nhất định. Mục đích chính của bộ nhớ cache là tăng tốc độ, giúp thiết bị hoạt động "mượt mà" hơn và giảm lượng dữ liệu phải xử lý cũng như truyền tải.
Sau mỗi lần khởi động lại điện thoại, bạn có bao giờ để ý thấy ứng dụng camera sẽ mở lên khá chậm trong lần đầu? Trong khi đó, ở những lần tiếp theo, tốc độ mở ứng dụng sẽ nhanh hơn. Sự khác biệt về tốc độ này là nhờ bộ nhớ cache. Tương tự, bạn cũng sẽ cảm thấy mọi trang web đều được tải nhanh hơn trong lần truy cập thứ hai. Tất cả là nhờ những tệp tin như hình ảnh của trang web đã được lưu từ trước trong bộ nhớ cache.
Người dùng thường không phải bận tâm quá nhiều về bộ nhớ cache. Nguyên nhân là vì hệ điều hành Android có tính năng quản lý bộ nhớ cache một cách tự động. Tuy nhiên, nếu một ứng dụng gặp lỗi hoặc ngừng hoạt động đột ngột, bạn có thể xóa bộ nhớ cache theo cách thủ công để khắc phục vấn đề.
Khi bạn xóa bộ nhớ cache, bạn sẽ xóa bỏ những tệp tin tạm thời của ứng dụng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, xóa bộ nhớ cache không thể đảm bảo hiệu suất tốt hơn và ứng dụng có thể tạm thời khởi động chậm hơn trong lần mở tiếp theo.
Xóa dữ liệu ứng dụng là một bước "mạnh tay" hơn so với xóa cache ứng dụng. Trong khi việc xóa cache gây ra ít tác động với thiết lập và trạng thái đã lưu của ứng dụng, việc xóa dữ liệu sẽ xóa/ gỡ bỏ hoàn toàn mọi thiết lập từ trước tới nay trên ứng dụng.
Về cơ bản, xóa dữ liệu ứng dụng sẽ đưa ứng dụng của bạn về trạng thái mặc định giống như vừa được tải về máy. Ví dụ, khi bạn tải về một ứng dụng thể dục, bạn có thể thiết lập độ dài và âm thanh khi tập để phù hợp với bản thân. Nếu bạn xóa cache ứng dụng, các thiết lập này sẽ không bị thay đổi. Tuy nhiên, nếu bạn xóa dữ liệu ứng dụng, những thiết lập này sẽ biến mất.
Một số trường hợp bạn có thể "xóa cache ứng dụng" hoặc "xóa dữ liệu ứng dụng" trên điện thoại:
Đầu tiên là để tiết kiệm không gian lưu trữ. Một số ứng dụng có thể lưu hàng GB dữ liệu mà bạn không cần tới nữa. Khi đó, việc xóa bớt dữ liệu là cần thiết để lấy thêm không gian lưu trữ.
Trường hợp khác và phổ biến hơn đó là bạn cần khôi phục một ứng dụng về mặc định, sau khi nó gặp vấn đề như lỗi hoặc tự động đóng ứng dụng. "Xóa cache ứng dụng" hoặc "xóa dữ liệu ứng dụng" là hai cách nhanh nhất để làm việc này.
Bạn nên thỉnh thoảng xóa bộ nhớ cache trong điện thoại. Và khi làm việc đó, bạn nên ưu tiên xóa cache trong những ứng dụng đang sử dụng nhiều dữ liệu nhất. Dưới đây là hướng dẫn xóa bộ nhớ cache trên điện thoại:
Đầu tiên, mở phần "Cài đặt" và vào phần "Ứng dụng".
Tại đây, vào mục "Tất cả" (nếu điện thoại của bạn không mặc định hiển thị tất cả ứng dụng).
Chọn một ứng dụng đang chiếm nhiều không gian bộ nhớ.
Sau đó, ấn vào phần "Xóa bộ nhớ Cache". Nếu điện thoại của bạn đang chạy hệ điều hành Android 6.0 trở lên, bạn cần vào phần "Dung lượng". Tiếp theo, tìm và ấn vào phần "Xóa bộ nhớ Cache".
Nếu bạn muốn xóa dữ liệu ứng dụng, bạn chỉ cần ấn vào phần "Xóa dữ liệu", thay vì "Xóa bộ nhớ Cache".
Tuy nhiên, cách này chỉ hoạt động với một ứng dụng duy nhất. Nếu bạn muốn xóa bộ nhớ cache của tất cả ứng dụng cùng lúc, đây là những bước bạn cần thực hiện:
Đầu tiên, mở phần "Cài đặt".
Ấn vào phần "Dung lượng", sau đó là "Dữ liệu đã lưu trong bộ nhớ cache".
Một thông báo sẽ hiện lên để hỏi liệu bạn có muốn xóa toàn bộ bộ nhớ cache. Xác nhận và toàn bộ bộ nhớ cache của điện thoại sẽ bị xóa.
Bạn không cần tải ứng dụng "gia tăng hiệu suất" để làm điện thoại nhanh hơn. |
Hiện nay, trên cửa hàng Play Store, nhiều ứng dụng đã tự mô tả là có khả năng "gia tăng hiệu suất" của thiết bị. Tuy nhiên, lời quảng cáo này không hề đúng. Trong đa phần trường hợp, các ứng dụng kiểu này chỉ cung cấp một nút bấm để xóa những ứng dụng đang chạy và xóa bộ nhớ cache trên thiết bị. Đối với điện thoại Android ngày nay, hai việc này có thể thực hiện tự động và không cần thiết phải sử dụng tới một ứng dụng từ bên thứ 3.
Về cơ bản, bộ nhớ cache là một khu vực lưu trữ trên thiết bị, nơi những dữ liệu được sử dụng thường xuyên bởi người dùng sẽ được lưu để cho phép truy cập nhanh hơn vào lần sau. Bộ nhớ cache giúp người dùng tiết kiệm thời gian và tránh sử dụng phần cứng khi không cần thiết.
Vì vậy, xóa cache hoặc dữ liệu ứng dụng khi điện thoại chạy chậm hoặc bộ nhớ đầy là lựa chọn khả dĩ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, bạn không nên xóa cache hoặc dữ liệu ứng dụng một cách thường xuyên. Việc này chỉ nên thỉnh thoảng tiến hành trên những ứng dụng ngốn nhiều dung lượng bộ nhớ.
Bạn không cần phải thường xuyên xóa bộ nhớ cache hoặc dữ liệu ứng dụng trên điện thoại. |
Không có lời đánh giá "tốt hơn" hoặc "tệ hơn" nào khi bạn lựa chọn xóa cache hoặc dữ liệu của ứng dụng. Trên thực tế, cả hai biện pháp này đều có những lợi ích riêng.
Khi ứng dụng gặp vấn đề, bạn nên ưu tiên xóa cache ứng dụng trước. Nguyên nhân vì đây là biện pháp ít ảnh hưởng tới thiết lập của ứng dụng nhất. Nếu tình trạng của ứng dụng vẫn không được cải thiện, bạn sẽ phải xóa dữ liệu ứng dụng như là lựa chọn cuối cùng, điều sẽ khiến mọi thiết lập và dữ liệu đã lưu của bạn biến mất. Hãy hành động theo hướng có lợi nhất dành cho bạn.