Ngày 8/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 229 - BLHS năm 1999 đối với các bị cáo trong vụ làm vỡ đường ống nước Sông Đà tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.
Nguyễn Biên Hùng (SN 1950, nguyên cán bộ công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, bộ Xây dựng; nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội) tự bào chữa: Với nhiệm vụ là Phó đoàn, mọi hành vi dẫn đến sự phạm tội đã được nêu lên trong bản cáo trạng, nhưng tôi chỉ ký vào công văn giấy tờ nhằm hoàn chỉnh hồ sơ cho bên chủ đầu tư.
“Trong toàn bộ dự án này, chức năng nhiệm vụ của tôi đến đâu thì đã hoàn thành đến đó. Khi công trình được vận hành, chúng tôi đã thấy rất mừng. Khi bị khởi tố, tôi rất đau khổ và không biết chia sẻ như thế nào với các bị cáo khác. Nếu tòa chứng nhận tôi có tội, tôi xin nhận tội”, bị cáo Hùng nói.
Bị cáo Hoàng Quốc Thống (nguyên cán bộ công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội) trình bày: Qua những ngày xét xử, bị cáo cảm ơn các giám định viên khi đã công nhận không thể cắt ống ra để thí nghiệm, khi nghiệm thu có các chứng chỉ kèm theo; trong cáo trạng đưa ra 7 chỉ tiêu nhưng thực chất chỉ có 5 chỉ tiêu…
“Tư vấn giám sát đã thực hiện theo đúng quy định đề ra. Chúng tôi thật sự là người có công với dự án này khi mang lại nguồn nước cho dân. Tư vấn giám sát vẫn cho lắp đặt ống cho công trình bởi khi kiểm tra các giấy tờ kèm theo, chúng tôi phải làm theo để kịp tiến độ dự án, đảm bảo cuộc sống mưu sinh; nếu không ký là có tội với dự án. Đây là lý do khách quan mà chúng tôi không thể làm khác được”, bị cáo Thống nói.
Bị cáo Bùi Minh Quân (nguyên PGĐ Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị thuộc công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, bộ Xây dựng; nguyên Giám sát viên tại dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội) cũng trình bày: Bị cáo đã có 24 năm công tác trong ngành Nước, tham gia thiết kế và giám sát nhiều dự án cấp nước và đây là dự án lớn nhất. Các bị cáo ở đây đều làm việc hết sức trách nhiệm. Dự án có rất nhiều cái mới và đoàn tư vấn giám sát cũng cố gắng làm hết trách nhiệm để mang lại chất lượng tốt nhất.
“Cái gì mới thì không tránh khỏi sai sót, mong HĐXX cân nhắc, xem xét sự việc. Việc vỡ đường ống, các bị cáo ai cũng buồn khi đã làm hết trách nhiệm nhưng vẫn có sự cố xảy ra. Bị cáo là người cuối cùng nhận quyết định khởi tố, đã lường trước được ngày ra tòa; đứng ở đây bị cáo rất đau lòng và chỉ biết kính mong HĐXX cân nhắc lượng hình trong vụ án này”, bị cáo Quân nói.
Các bị cáo tại tòa. |
Trước đó, trong phiên sáng nay, bị cáo Vũ Thanh Hải, nguyên Trưởng phòng sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex mong muốn HĐXX xem xét công minh, khách quan để đánh giá đúng hành vi của các bị cáo.
Trong phần bào chữa cho thân chủ của mình (bị cáo Vũ Thanh Hải), luật sư Trần Bình Tuấn cho rằng: Trong vụ án này, tiêu chuẩn ANSI/ AWWA 950 - 01 được áp dụng cho các giai đoạn thiết kế, sản xuất, thi công, kiểm tra chất lượng…Đây là tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ do Hiệp hội công trình thủy xây dựng nhưng đây không phải là thông số kỹ thuật.
Bên cạnh đó, luật sư cũng cho rằng, việc sử dụng các triêu chuẩn AWWA là hoàn toàn tự nguyện. Vì vậy khi tiêu chuẩn này được áp dụng tại Việt Nam phải được Bộ Xây dựng - cơ quan quản lý cao nhất về xây dựng cho phép.
Rõ ràng, chuyển thay đổi vật liệu ống từ ống gang dẻo sang ống cốt sợi thủy tinh cho dự án này, tư vấn thiết kế đã không tính toán hết các tham số kỹ thuật cho loại vật liệu; đó là 2 thông số quan trọng nhất: Độ bền và độ biến dạng do ống nằm trong đất.
Theo đó, vị luật sư này cho rằng, cần đánh giá lại hành vi, phạm vi trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế một cách khách quan, công bằng. Việc tư vấn thiết kế bỏ qua những chỉ tiêu kỹ thuật quan trọng về độ bền lâu của tuyến ống khi nằm trong đất kết hợp với việc vận hành luôn quá tải là nguyên nhân chính làm ống nước bị vỡ trong dự án này.
Nói về hành vi ký 66 biên bản nghiệm thu mà bị cáo Vũ Thanh Hải đang bị quy kết, luật sư Trần Bình Tuấn cho rằng: Thống kê trong số 18 lần vỡ trên 23 ống như kết luận điều tra và cáo trạng đã chỉ ra đều là các ống được sản xuất năm 2007, 2008. Giai đoạn này, bị cáo Vũ Thanh Hải đang là Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh, bán hàng mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm mới.
Theo luật sư Tuấn, hành vi ký các Biên bản nghiệm thu của bị cáo Vũ Thanh Hải là sau khi có các biên bản nghiệm thu, các phiếu kết quả các chỉ tiêu kỹ thuật đảm bảo theo Hợp đồng kinh tế đã ký, hoàn thiện hồ sơ quyết toán với Ban quản lý dự án, thanh toán với ngân hàng. Đây là nhiệm vụ được phân công với mục đích thanh quyết toán - lưu hồ sơ không nhằm yếu tố vụ lợi, không có tham ô, tham nhũng trong quá trình điều hành sản xuất, cũng như các lĩnh vực công việc khác trong Công ty.
Theo đó, luật sư Tuấn cho rằng sự cố vỡ ống gây ra hậu quả không cung cấp nước nằm ngoài ý thức chủ quan của bị cáo nên chưa đủ yếu tố cầu thành tội “Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” như cáo trạng của Viện KSND đã truy tố.
Với những đánh giá chứng cứ và phân tích về vụ án, luật sư Trần Bình Tuấn cho rằng: Tuyến truyền tải nước sạch của dự án cấp nước Sông Đà bị vỡ 18 lần là hậu quả của một chuỗi các sai lầm từ giai đoạn đầu tư, quyết định đầu tư, chuyển đổi từ vật liệu ống gang dẻo sang cốt sợi thủy tinh, công tác tư vấn thiết kế chưa tính toán và yêu cầu đạt các chỉ tiêu như tiêu chuẩn quy định (AWWA 950-01), nhất là các chỉ tiêu về độ bền và suy giảm khi ống nằm trong đất. Các sai sót chưa được tính toán kỹ để áp dụng cho sản xuất, quá trình vận chuyển, thi công lắp đặt…
Với các luận cứ đã trình bày ở trên và căn cứ vào các quy định của Pháp luật hiện hành, hậu quả vụ án đã được xem xét thấu tình đạt lý, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng điều 25 Bộ Luật Hình sự năm 2015 về rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, tuyên rằng: “Hành vi gây ra thiệt hại trong việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, mặc dù đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật…, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa thì không coi là phạm tội”.
Cũng trong phiên tòa sáng nay, ở phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc Công ty CP ống sợi thuỷ tinh Vinaconex đề nghị HĐXX, xem lại số liệu tính toán trong kết quả giám định, xem lại cống hiến của bị cáo cho xã hội.
Theo bị cáo Bằng, kết quả giám định cần xem lại đối chiếu với với các quy trình, vật liệu mới. Bị cáo cho rằng đây là dự án xã hội hoá đầu tiên, đường ống nước tự sản xuất có đường kính và chiều dài lớn nhất đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời cũng tự vận hành… quy trình đánh giá có bất cập, bị cáo Bằng cáo cho biết.
Luật sư của bị cáo Bằng thì cho rằng, kết luận giám định đang bất cập giữa hai đơn vị thực hiện dự án (nhà thầu và công ty sản xuất ống sợi thủy tinh). Bởi, những đơn vị thực hiện chỉ là công ty của hai bên. Trước khi chọn nhà thầu thực hiện dự án, thì chủ đầu tư đã phải trải qua 8 lần chọn nhà thầu. Ông cũng cho rằng, văn bản kết luận giám định thực ra không phải văn bản pháp lý mà chỉ là văn bản hành chính vì Bộ Xây dựng trả lời cơ quan điều tra. Bởi, theo công bố tư pháp thì đơn vị này không được giao giám định.
Bên cạnh đó, chỉ có hai người ký thì không đúng văn bản tố tụng theo quy định. Tuy nhiên, cơ quan điều tra và Viện KSND căn cứ để kết tội bị cáo là không khách quan.
Vị luật sư này nói thêm, nếu kết luận giám định không đúng pháp luật thì không thể làm căn cứ truy tố các bị cáo. Điều này sẽ khiến các bị cáo không hiểu mình đang bị truy tố như thế có đúng hay không?
Phiên tòa tạm nghỉ, 13 giờ 30 phút chiều mai, HĐXX tiếp tục làm việc.
Cô gái 'bí ẩn' cùng sử dụng ma túy với ca sĩ Châu Việt Cường đã ra trình diện
Cô gái Đỗ Phượng Anh, người gọi chị Trần Mỹ H. đi gặp ca sĩ Châu Việt Cường và sử dụng ma túy ở đây ... |
Bỏng cổ họng do ăn quá nhiều tỏi, Châu Việt Cường nhập viện cấp cứu
Do phê ma túy và ăn quá nhiều tỏi nên ca sĩ Châu Việt Cường, người đang bị bắt tạm giam vì liên quan tới ... |