Bóng dáng Điện Tây Bắc (NED) đằng sau cụm công nghiệp gần nghìn tỷ sắp xây dựng tại Hải Phòng

Dự kiến từ tháng 1/2025, Công ty Bản Thiện sẽ bắt đầu triển khai thi công CCN Lê Thiện - Đại Bản tại An Dương, Hải Phòng với tổng vốn hơn 950 tỷ đồng. Được biết, Bản Thiện có mối liên hệ với Điện Tây Bắc - doanh nghiệp đang đầu tư một số nhà máy thủy điện ở Sơn La.

Một góc huyện An Dương. (Ảnh: Sở Xây dựng Hải Phòng).

Tháng 11 vừa qua, UBND huyện An Dương (Hải Phòng) đã phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 Cụm công nghiệp Lê Thiện - Đại Bản. Trước đó vào ngày 17/7, dự án này đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với CTCP Đầu tư Công nghiệp Bản Thiện.

CCN Lê Thiện - Đại Bản có tổng diện tích quy hoạch 59,6 ha, thuộc địa bàn các xã Lê Thiện và Đại Bản, huyện An Dương. Phía đông bắc dự án giáp quốc lộ 5 và khu dân cư xã Đại Bản; phía đông nam giáp khu dân cư thôn Dụ Nghĩa thuộc xã Lê Thiện; phía tây nam giáp khu dân cư thôn Cữ thuộc xã Lê Thiện; phía đông bắc giáp khu đất nông nghiệp.

Hiện trạng khu đất dự án hiện nay chủ yếu là đất trồng lúa 2 vụ (50,8 ha), không gian bằng phẳng, chủ yếu là đồng ruộng, không có công trình kiến trúc lớn mà chỉ có vài công trình nhà tạm, không có dân cư sinh sống. 

Về tính chất, đây sẽ là dự án công nghiệp mới với quy mô lao động 5.000 người. Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí khoảng 43 ha xây dựng nhà máy xí nghiệp, còn lại sẽ là đất cây xanh, công cộng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật...

Đất nhà máy, xí nghiệp sẽ được bố trí thành 21 lô đất với diện tích dao động 1,2 - 3,8 ha, mật độ xây dựng tối đa 70%, cao tối đa 5 tầng, hệ số sử dụng đất tối đa 3,5 lần.

Khu đất công cộng sẽ bố trí ở phía đông bắc của dự án, giáp với tuyến đường nối quốc lộ 5, sẽ bao gồm các công trình dịch vụ phục vụ CCN, diện tích 1,75 ha, mật độ xây dựng tối đa 40%, cao tối đa 5 tầng, hệ số sử dụng đất tối đa 2 lần.

CCN Lê Thiện - Đại Bản sẽ tập trung thu hút đầu tư các ngành nghề như công nghiệp cơ khí; sản xuất ống và phụ kiện HDPE, PPR, các sản phẩm nhựa kỹ thuật; điện tử, điện lạnh, viễn thông; công nghiệp công nghệ cao; thiết bị điện; vật liệu xây dựng; công nghiệp nhẹ...

Trục giao thông đối ngoại của dự án được xác định là quốc lộ 5 kết nối với Hải Dương và Hà Nội. Các tuyến đường trục chính bên trong dự án có bề rộng 15 - 25 m, chạy dọc theo hướng đông bắc - tây nam và tây bắc - đông nam. Các nhà xưởng sẽ được bố trí dọc theo các tuyến đường với diện tích 5.000 - 30.000 m2 tùy theo nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp.

Về tiến độ, dự kiến chủ đầu tư sẽ thi công xây dựng từ tháng 1/2025 - tháng 12/2025; vận hành thử nghiệm từ tháng 1/2026 - tháng 3/2026; vận hành chính thức từ tháng 4/2026.

Theo hồ sơ tiếp nhận đăng ký chủ đầu tư, doanh nghiệp cho biết CCN Lê Thiện - Đại Bản có tổng mức đầu tư tạm tính là 959 tỷ đồng.

Ai đứng sau Bản Thiện?

CCN Hợp Thắng, một dự án mà Điện Tây Bắc đang phát triển. (Ảnh: Hoàng Long Group).

Về chủ đầu tư, Công ty Bản Thiện được thành lập vào tháng 10/2023, có trụ sở tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng với vốn điều lệ ban đầu 220 tỷ đồng. Hiện nay, Bản Thiện có hai người đại diện pháp luật, bao gồm Giám đốc Phan Đức Tài và Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Ngọc.

Theo tìm hiểu của người viết, vài ngày trước khi Bản Thiện được chấp thuận đầu tư CCN Lê Thiện - Đại Bản, ông Phạm Minh Ngọc đã bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của CTCP Đầu tư và Phát triển Điện Tây Bắc (mã chứng khoán: NED). 

Điện Tây Bắc được thành lập từ năm 2006, được biết đến là đơn vị quản lý vận hành nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2 thuộc huyện Mường La và nhà máy thủy điện Nậm Công, Nậm Sọi thuộc huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Điện Tây Bắc đang đồng thời nắm hơn 45% tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Đầu tư Trường Đại Lộc, thông qua đó đầu tư vào dự án CCN Hợp Thắng tại huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Dự án này có diện tích 70 ha, tổng vốn 525 tỷ đồng.

 Trên thực tế, Điện Tây Bắc có một số mối liên hệ với các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Sông Đà (SJG).

Trước đó vào tháng 6/2019, ông Phạm Minh Ngọc từng được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT của CTCP Sông Đà 11 (mã: SJE), song hiện nay không còn đảm nhiệm chức vụ này. 

Sông Đà 11 là một thành viên trực thuộc SJG. Các cổ đông sáng lập của Điện Tây Bắc như Sông Đà 5, Sông Đà 10 hay Sudico đều là những thành viên nhóm SJG. Chủ tịch của Điện Tây Bắc - ông Trần Văn Ngư cũng từng là lãnh đạo tại Sông Đà 11...

chọn
Bóng ông lớn ngành hàng không phía sau khu đô thị 3.200 tỷ sắp đầu tư ở Tây Ninh
Dự kiến vào quý III/2025, AHA Việt Nam sẽ bắt đầu xây dựng Khu đô thị mới tại phường Ninh Thạnh tại TP Tây Ninh. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này có những mối liên hệ với một số ông lớn ngành hàng không như Vietnam Airlines hay ALS.