10 năm và những tuyên bố nghìn tỉ về bất động sản, cao su, chăn nuôi bò đến vườn cây ăn trái, bầu Đức còn lại gì?

Sau khi trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2009 và thành công mĩ mãn với bất động sản, bầu Đức tuyên bố chia tay mảng kinh doanh vốn mang lại sự thịnh vượng cho mình và chuyển hướng xuất ngoại làm nông nghiệp. Bắt đầu từ cao su, mía đường, chăn nuôi bò cho đến những tuyên bố hùng hồn với vườn trái cây… Tuy nhiên, may mắn dường như chưa mỉm cười với người sáng lập Hoàng Anh Gia Lai.

Chỉ trong vòng 7 năm, từ 2012 đến nay, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã liên tục thay đổi định hướng với lĩnh vực được xác định là mũi nhọn, từ trồng cao su, trồng mía, bắp rồi chuyển sang nuôi bò, và hiện Hoàng Anh Gia Lai cũng tuyên bố bỏ hẳn chăn nuôi bò để tập trung cho vườn cây ăn trái.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-08 lúc 15

Các mảng kinh doanh chính của bầu Đức liên tục thay đổi, từ bất động sản qua cao su, mía đường, bò rồi đến cây ăn trái. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Đáng chú ý, trước khi bắt đầu những định hướng mới, bầu Đức đều tuyên bố hùng hồn nhưng cuối cùng các mảng kinh doanh này chỉ có thể duy trì được 2-3 năm rồi nhường "sứ mệnh" cho một mảng kinh doanh khác.

Bầu Đức từng gây bất ngờ khi đột ngột bỏ bất động sản

Bắt đầu kinh doanh đa ngành từ năm 2002, bên cạnh chuyên về đồ gỗ, Hoàng Anh Gia Lai tạo được sự chú ý trên thị trường khi hoạt động kinh doanh hiệu quả ở lĩnh vực bất động sản.

Một trong những dự án tiếng tăm và thành công đầu tiên của bầu Đức chính là khu căn hộ cao cấp tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) được hoàn thành năm 2008. 

bau-duc-2-crop

Bầu Đức từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2009. (Ảnh: Zing).

Giai đoạn này, HAGL còn một loạt dự án lớn khác trải dài tại nhiều tỉnh thành như căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại Hoàng Anh - Hoàng Văn Thụ tại TP Pleiku (Đắk Lắk), khu căn hộ cao cấp New Saigon, Golden House (TP HCM) hay khu căn hộ và trung tâm thương mại Tây Nguyên Plaza tại Cần Thơ…

Đây được xem là thời kì "hoàng kim" của bầu Đức bởi thành công rực rỡ ở mảng bất động sản trong lúc không có nhiều tên tuổi quá nổi bật. Vì vậy, HAGL chính là "ông lớn" bất động sản được biết đến nhiều nhất về số lượng và quy mô dự án.

Tập trung phát triển mảng kinh doanh này trong khoảng 10 năm, bất động sản đã giúp HAGL trở thành tập đoàn kinh tế có tốc độ phát triển tài sản nhanh nhất Việt Nam vào năm 2010, với giá trị tài sản lên đến gần 1,5 tỉ USD.

Ngoài việc đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức còn có một loạt dự án khác tại Lào, Myanmar, Campuchia, Thái Lan. Tổng giá trị của các khoản đầu tư này lên đến hơn tỉ USD.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế 2012-2013 làm thị trường bất động sản tụt dốc, và bầu Đức tuyên bố bỏ hẳn mảng này để chuyển sang trồng cao su. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-08 lúc 16

Từ năm 2013, bất động sản không còn đóng góp nhiều doanh thu cho HAGL. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Kể từ thời điểm tuyên bố "chai tay", doanh thu bất động sản của bầu Đức nhỏ dần. Năm 2012, doanh thu mảng này dù sụt giảm nhưng vẫn còn ở mức 2.829 tỉ đồng, đóng góp hơn 60% vào tổng doanh thu của HAGL. Đến năm 2013, doanh thu bất động sản giảm nghiêm trọng, chỉ còn 247 tỉ và đến cuối năm 2018, còn đúng 58 tỉ đồng.

Tại đại hội cổ đông đầu năm 2019, bầu Đức cho biết đang tính toán thoái 47,89% cổ phần còn lại ở dự án Hoàng Anh Myanmar tại Yangon để dồn lực cho mảng kinh doanh khác. Và tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 vừa công bố, HAGL thông tin doanh nghiệp không còn bất kì khoản thu nào từ bất động sản trong nửa đầu năm nay. 

Như vậy, có thể thấy, HAGL đã chính thức chia tay hoàn toàn mảng bất động sản.

Bầu Đức và tuyên bố hùng hồn: "Bán nhà cũng phải trồng cao su" 

Thời điểm bỏ bất động sản, bầu Đức quyết định đầu tư vào cao su. Dù được cho là người "tay ngang" khi nhảy vào làm nông nghiệp và đặt quá nhiều tham vọng, nhưng ông Đoàn Nguyên Đức vẫn đinh ninh: "Bán nhà cũng phải trồng cao su", khi thấy giá vốn không nhiều nhưng lợi nhuận lại rất cao.

0ac210f3123b82235931d4e30f999647-800x500_c

Bầu Đức từng tuyên bố: "Bán nhà cũng phải trồng cao su" nhưng mấy năm nay, thứ "vàng trắng" này không phải là "sứ mệnh" của HAGL. (Ảnh: HAGL).

"Năm 2012, chúng tôi sẽ trồng xong 51.000 hecta cao su như kế hoạch và tiếp tục phát triển thêm 50.000 hecta cao su nữa kể từ năm 2013. Chúng tôi đã chuẩn bị xong quỹ đất", bầu Đức chia sẻ dứt khoát ở thời điểm bắt đầu trồng cao su.

Kết quả, năm 2013, cao su giúp HAGL có khoản doanh thu 241 tỉ đồng, trong khi giá vốn bán là 75 tỉ. Tuy nhiên, chỉ được năm đầu tiên, đến năm 2014, doanh thu giảm còn 227 tỉ đồng nhưng giá vốn đội lên thành 120 tỉ. 

Năm 2014, tổng diện tích trồng cao su của HAGL khoảng 50.000 hecta, thấp hơn một nửa so với dự tính. Thị trường giá cao su biến động khiến giấc mơ "vàng trắng" của bầu Đức đã không thành chỉ sau 2 năm gia nhập.

Song song trồng cao su, bầu Đức còn có trồng mía, cọ dầu, bắp nhằm "lấy ngắn nuôi dài" cho vườn cao su. 

Với đường, HAGL rót 100 triệu USD xây dựng Cụm công nghiệp khép kín đặt ngay trên nông trường mía rộng hơn 10.000 ha. Ngoài ra, còn một nhà máy sản xuất ethanol. 

Doanh thu từ mảng mía đường cao nhất của HAGL là năm 2014 với 1.042 tỉ đồng, nhưng sau đó, cũng nhanh chóng sụt giảm. Đến năm 2016 chỉ còn 468 tỉ. Giữa năm 2017, HAGL đã quyết định bán đứt Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai của mình cho đại gia Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, với giá 1.330 tỉ.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-08 lúc 16

Mía đường và cao su cũng chỉ đóng góp doanh thu lớn cho bầu Đức từ 2-3 năm. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Đến 2018, doanh thu từ mía chính thức khép lại với HAGL. Trong khi đó, diện tích cao su của HAGL vẫn còn khoảng hơn 47.000 hecta tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia, nhưng cao su lại không còn là trọng tâm mang laij doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp bầu Đức.  

"Nhu cầu đối với phần lớn các nguyên liệu sản xuất, trong đó có mủ cao su, vẫn ở mức thấp, giá cả chưa thể phục hồi ổn định. Vì vậy, ngành cao su của HAGL vẫn còn đối mặt với vô vàn khó khăn", bầu Đức viết trong tâm thư chia sẻ với cổ đông tại đại hội năm nay.

Bầu Đức nói thẳng: "Không có bò chúng tôi cũng bò luôn" nhưng hiện HAGL đã loại bò ra khỏi lĩnh vực kinh doanh

Từ bỏ cao su ngay khi thấy "không dễ ăn" như lúc bắt đầu, bầu Đức chuyển sang tuyên bố nuôi bò, do nhìn thấy một lợi thế sẵn có từ nguồn phụ phẩm là cọ dầu, rỉ mật, bắp để làm thức ăn chăn nuôi. 

Quyết đầu tư vào lĩnh vực này, ngay từ giữa năm 2014, khi doanh thu mảng cao su mới lên đỉnh  được 1 năm và có dấu hiệu đi xuống, bầu Đức đã xông xáo đầu tư những nông trường chăn nuôi bò đầu tiên tại cả 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

bauduc2-15562430241181781162182

"Năm nay (2016), không có bò thì chúng tôi cũng… bò luôn" - bầu Đức từng khẳng định nhưng mảng này hiện cũng đã phá sản. (Ảnh: HAGL).

Năm 2015, HAGL nhập về hơn 120.000 con bò, chủ yếu là bò thịt từ Australia. Đến năm 2016, con số này tăng lên hơn gấp đôi, thành 250.000 con.

Với việc chuyển hướng kinh doanh này, đàn bò trở thành lĩnh vực mang lại doanh thu nhiều nhất trong tổng cơ cấu doanh thu cho HAGL.

Năm 2016, riêng doanh thu từ bán bò đem về cho HAGL 3.537 tỉ đồng, chiếm 55% tổng doanh thu, tức trung bình mỗi ngày, đàn bò mang lại gần 10 tỉ cho bầu Đức. 

Thậm chí, giai đoạn này, dù lâm vào cảnh khủng hoảng tài chính nhưng cũng nhờ đàn bò mà bầu Đức bớt được nợ nần. Vai trò của đàn bò lớn đến mức khiến bầu Đức thẳng thắn: "Năm nay (2016), không có bò thì chúng tôi cũng… bò luôn".

Tuy nhiên, "sứ mệnh" của đàn bò cũng chỉ duy trì được 2 năm, ngay sau đó, tổng đàn bò và doanh thu từ mảng này ngày càng giảm. Từ con số 250.000 con trong 2 năm đẩy mạnh đầu tư và kì vọng phát triển gấp 4 lần nhưng đến giữa năm 2018, tổng đàn đã bị cắt giảm xuống còn 13.000 con.

Trong báo cáo tài chính quý II/2019, bò đã không còn mang lại một đồng doanh thu nào cho HAGL. Bầu Đức cũng tuyên bố bỏ hẳn mảng kinh doanh này, tương tự như bất động sản, để dồn toàn bộ lực cho vườn cây ăn trái.

Đầu tư nghìn tỉ đánh cược với chuối hay sẽ lại bỏ trái cây

"Sứ mệnh" của đàn bò bị dừng và ngay năm 2016, bầu Đức lại tiếp tục manh nha chuyển hướng chiến lược tập trung vào vườn cây ăn trái. 

Điều này thể hiện qua thông điệp gửi cổ đông trong báo cáo thường niên năm 2017 có tên "Vận hội mới", người sáng lập HAGL xác định lợi thế quỹ đất rộng lớn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới với nguồn lao động dồi dào, là nền tảng vững chắc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các sản phẩm cây ăn trái.

Ông phân tích mảng trái cây nhiệt đới sạch cung cấp cho thế giới sẽ là tương lai dài và bền vững cho HAGL.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-08 lúc 16

Năm nay, bầu Đức đặt cược vào vườn cây ăn trái, sau khi chính thức bỏ mảng chăn nuôi bò và bất động sản. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vào vườn trái cây, cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái HAGL đã trồng là 18.675 ha, với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, xoài, mít, bưởi da xanh và hơn 10 loại cây ăn trái khác.

Doanh thu từ trái cây năm 2018 mang lại cho bầu Đức 2.897 tỉ đồng, đóng góp 53,8% trong tổng doanh thu của HAGL.

Bầu Đức cho biết diện tích cây ăn trái này sẽ mang lại nguồn doanh thu chủ lực cho HAGL trong năm 2019, kì vọng doanh thu tăng gấp đôi so với năm 2018, đạt 4.400 tỉ đồng, tức chiếm hơn 85% cơ cấu doanh thu cả năm nay. 

Cơ cấu vườn cây ăn trái của bầu Đức đa dạng, với thanh long, mít, bưởi, xoài, chanh dây dự kiến đóng góp từ 0,6-11,2% doanh thu.

Riêng chuối dự kiến chiếm 70% cơ cấu doanh thu với sản lượng gần 250.000 tấn, mang lại 3.545 tỉ đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày, vườn chuối được bầu Đức kì vọng mang lại gần 10 tỉ đồng.

Với kết quả "dự kiến", nhưng bầu Đức đã lạc quan cho rằng có cơ sở để khẳng định chiến lược tái cơ cấu kinh doanh đi đúng hướng, tức khi bỏ bất động sản, mía đường, cao su, chăn nuôi bò qua vườn cây ăn trái. 

chuoi-chua-thu-hoach-duoc-loi-nhuan-qui-1-cua-hagl-agrico-sut-gi-314a4d

Tuy nhiên, vườn cây ăn trái cũng đang làm khó bầu Đức khi 6 tháng đầu năm chỉ mới đạt 14% kế hoạch cả năm. (Ảnh: HAGL).

Thậm chí, trái cây sẽ là ngành chủ lực đưa HAGL trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á vào năm 2025.

Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, kết quả kinh doanh từ vườn cây ăn trái của bầu Đức lại không "màu hồng" như vậy. Tổng doanh thu từ trái cây chỉ đóng góp 607 tỉ đồng, bằng 14% kế hoạch đề ra. Trong khi cùng kì, cây ăn trái mang về đến 1.419 tỉ đồng. 

Ngay cả vườn chuối được bầu Đức "đặt cược" nhiều nhất, bơm thêm vốn bằng việc sử dụng số tiền hơn 1.000 tỉ đồng phát hành cổ phiếu chuyển đổi để đầu tư trồng chuối thì kết quả kinh doanh chuối nửa đầu năm nay không được báo cáo rõ. Trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm, doanh thu, lợi nhuận từ vườn chuối không được thể hiện. Khoản thu từ ớt cũng chỉ 39 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái lên đến 452 tỉ đồng. Và báo cáo thể hiện ớt không còn phát sinh doanh thu từ quý II, trong khi mới năm trước, người sáng lập HAGL từng thể hiện kì vọng lớn vào vườn ớt tương tự hu chuối, chanh dây.

Với những con số kinh doanh từ vườn trái cây không được kì vọng, ngay lúc này, nhiều người đang nghĩ đến một trụ cột kinh doanh mới mà bầu Đức có thể sắp triển khai,  kế hoạch đó có thể không có sự hiện diện của vườn trái cây mà ông chủ HAGL từng đặt cược.