Bầu Đức đang phải cho Hoàng Anh Gia Lai 'mượn tạm' gần 2.500 tỉ đồng để cân đối hoạt động kinh doanh

Khoản tiền Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho Hoàng Anh Gia Lai "mượn tạm" lên đến gần 2.500 tỉ đồng. Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai còn có một khoản nợ khác trị giá 180 tỉ đồng cũng với bầu Đức, được cho là đầu tư hợp tác kinh doanh.

6 tháng đầu năm, HAGL đang lỗ nặng khi không có doanh thu từ bán bò, bất động sản và dịch vụ cho thuê, vườn trái cây được đầu tư rất nhiều nhưng hiệu quả thu được rất thấp. Cũng như Hoàng Anh Gia Lai Agrico, Công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai đã có nửa đầu năm 2019 hoạt động không hiệu quả và lỗ hàng trăm tỉ đồng. Công ty đang mượn tạm "ông chủ" Đoàn Nguyên Đức số tiền đến 2.500 tỉ đồng.

Bầu Đức là chủ nợ cá nhân lớn nhất của HAGL với khoản nợ 2.500 tỉ đồng

Thuyết minh báo cáo chính hợp nhất nửa đầu năm 2019 của Hoàng Anh Gia Lai cho biết doanh nghiệp đang nợ Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) số tiền gần 2.500 tỉ đồng.

Trong đó, nợ ngắn hạn phải trả cho bầu Đức là 1.500 tỉ đồng, gần 1.000 tỉ còn lại là nợ dài hạn. Hoàng Aanh Gia Lai cho biết đây là số tiền "mượn tạm" để  duy trì và cân đối hoạt động kinh doanh.

bau_duc

Bầu Đức đang là chủ nợ cá nhân lớn nhất của HAGL với khoản nợ hơn 2.500 tỉ đồng. (Ảnh: Zing).

Ngoài con số 2.500 tỉ đồng "mượn tạm", Hoàng Anh Gia Lai còn có một khoản nợ khác trị giá 180 tỉ đồng cũng với Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức, được cho là đầu tư hợp tác kinh doanh. 

Như vậy, bầu Đức đang là chủ nợ cá nhân lớn nhất của HAGL - doanh nghiệp do ông điều hành. 

Trong danh sách những khoản nợ ngắn hạn và dài hạn phải trả của Hoàng Anh Gia Lai còn có nhiều chủ nợ quen thuộc khác là lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp này, với số tiền "mượn" lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho Hoàng Anh Gia Lai mượn tiền để cân đối hoạt động kinh doanh. Trong nhiều năm, tình hình hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai không hiệu quả, bầu Đức vẫn chi nghìn tỉ cho công ty "xoay vốn". Cùng kì năm ngoái, ông cũng đã cho Hoàng Anh Gia Lai mượn gần 1.900 tỉ đồng. 

Tại kì chốt báo cáo tài chính quý II/2019, tổng nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai, gồm cả ngắn hạn và dài hạn, đang ở mức 34.168 tỉ đồng, tăng 2.867 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 9%.

Tổng tài sản của HAGL đang có là 49.206 tỉ đồng, tăng 2,2% so với cùng kì.

Mảng kinh doanh nào cũng lỗ 

Đi kèm khoản nợ hàng nghìn tỉ, Hoàng Anh Gia Lai đã có nửa đầu năm 2019 hoạt động không suôn sẻ, với lợi nhuận âm. Đáng chú ý, khoản lỗ chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh quý II. Quý II luôn là quý lỗ nặng nhất của Hoàng Anh Gia Lai trong vài năm trở lại đây.

Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ  trong quý II chỉ đạt 513 tỉ đồng. Trong khi đó, cùng kì năm ngoái, doanh thu lên đến 1.888 tỉ đồng, tức giảm 3,7 lần.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-01 lúc 12

Doanh thu quý II/2019 của HAGL đang thấp kỉ lục trong vài năm trở lại đây. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Tuy giảm được chi phí tài chính và chi phí quản lí doanh nghiệp so với cùng kì, nhưng con số giảm không đáng kể so với hàng loạt khoản lỗ khác, cũng như chi phí bán hàng và chi phí khác.

Cụ thể, dù doanh thu tạo ra ít hơn nhiều so với quý II năm ngoái, nhưng chi phí bán hàng của Hoàng Anh Gia Lai lại tăng gấp đôi, ở mức 103 tỉ đồng. Chi phí khác từ 115 tỉ đồng đội lên thành 376 tỉ đồng. Lỗ khác cũng tăng gấp 3 lần, từ 111 tỉ lên thành 358 tỉ đồng. 

Kết quả là chỉ trong quý II, doanh nghiệp của bầu Đức đã lỗ trước thuế 687 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái lãi 95 tỉ đồng. Đây là con số lỗ kỉ lục chỉ trong 1 quý của công ty bầu Đức nhiều năm trở lại đây.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Hoàng Anh Gia Lai chỉ đạt 923 tỉ đồng, giảm đến 1.992 tỉ đồng so với cùng kì năm ngoái. Doanh thu giảm sâu khiến khoản lỗ trước thuế lên đến 666 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái lãi đến 127 tỉ đồng.  

Như vậy đến giữa năm, doanh nghiệp của bầu Đức chỉ mới hoàn thành 18% kế hoạch doanh thu, còn rất xa mục tiêu 5.125 tỉ đồng doanh thu thuần và 88 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra tại đại hội cổ đông đầu năm. 

Giải trình về việc lỗ nặng qua 2 quý đầu năm, lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cho biết do chi phí lãi vay cao, phân bổ lợi thế thương mại trong kì và chi phí vận chuyển cũng tăng. Riêng khoản lỗ khác hàng trăm tỉ là do tập đoàn đánh giá lại các tài sản không hiệu quả, điều chỉnh chi phí chuyển đổi vườn cây ăn trái.

Loay hoay với trái cây, dồn tiền trồng chuối

Như giải thích của ban lãnh đạo Hàng Anh Gia Lai, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm không như kì vọng chủ yếu đến từ mảng nông nghiệp. 

chuoi-chua-thu-hoach-duoc-loi-nhuan-qui-1-cua-hagl-agrico-sut-gi-314a4d

Vườn cây ăn trái của bầu Đức đang kinh doanh kém hiệu quả so với kì vọng. (Ảnh: HAGL).

Tại Đại hội cổ đông hồi cuối tháng 4, bầu Đức cho biết doanh thu của vườn cây ăn trái sẽ giữ vai trò quyết định, chiếm hơn 85% cơ cấu doanh thu, dự định mang lại khoảng 4.400 tỉ đồng trong năm 2019. Trong đó, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức "đặt cược" vào vườn chuối với kì vọng doanh thu đến 3.545 tỉ đồng, đóng góp 69,2% trong cơ cấu doanh thu.

Vào đầu quý I/2019, trong báo cáo giải trình về việc sử dụng số tiền 2.200 tỉ phát hành cổ phiếu chuyển đổi, doanh nghiệp của ông bầu phố núi cho biết đã sử dụng 1.137 tỉ đồng để đầu tư trồng chuối và ớt, trong đó tỉ trọng đầu tư cho chuối hơn 1.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm, doanh thu, lợi nhuận từ vườn chuối không được thể hiện rõ. Khoản thu từ ớt cũng chỉ 39 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái lên đến 452 tỉ đồng. Và báo cáo thể hiện ớt không còn phát sinh doanh thu từ quý II.

Tổng doanh thu từ trái cây 6 tháng đầu năm chỉ đóng góp 607 tỉ đồng, bằng 14% kế hoạch đề ra. Trong khi  cùng kì năm ngoái, doanh thu từ cây ăn trái mang lại cho bầu Đức 1.419 tỉ đồng. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-01 lúc 12

Hoàng Anh Gia Lai dồn hết cho trái cây nhưng mảng này đã sụt giảm nghiêm trọng nửa đầu năm 2019. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Trong năm 2018, ngành cây ăn trái đã mang lại doanh thu 2.897 tỉ đồng, đóng góp 53,8% trong tổng doanh thu của tập đoàn.

Bầu Đức cho biết năm 2018, Hoàng Anh Gia Lai đã chuyển đổi một số vườn cây cao su, cọ dầu kém hiệu quả tại Việt Nam, Lào và Campuchia để trồng cây ăn trái, nâng tổng diện tích trồng cây ăn trái lên 18.675 ha với với các sản phẩm chủ lực gồm chuối, thanh long, xoài, bưởi da xanh, mít và hơn 10 loại cây ăn trái khác, và đây là cơ sở để kì vọng vào nguồn thu lớn năm nay. 

Tuy nhiên, kết quả thu hoạch trái cây nửa đầu năm 2019 lại không thể hiện được những con số như kì vọng.

Trong báo cáo thường niên được công bố đầu năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai xác định 2019 là năm bản lề quan trọng để công ty đi vào giai đoạn 2020 - 2025, phát triển bền vững, làm đòn bẩy đưa Hoàng Anh Gia lai thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á.