Tại hội nghị lãnh đạo UBND TP HCM trao đổi với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhằm tháo gỡ các khó khăn trong phát triển dự án sáng 22/2, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thẳng thắn trình bày những khó khăn mà công ty mình gặp phải.
Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch kiêm CEO Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai trình bày, hiện nay công ty có 6 dự án gặp nhiều khó khăn khiến công ty thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng.
Những dự án còn vướng mắc, theo bà Loan, có nhiều thủ tục khiến công ty bối rối, thậm chí chuyên viên của các sở, ban ngành thụ lí hồ sơ cũng không biết phải giải quyết thế nào.
Cụ thế, dự án dự án 91 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè được UBND TP chấp thuận đầu tư từ năm 2017, thời hạn từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2020 sẽ hết hạn. Kế hoạch sử dụng đất của Quốc Cường Gia Lai đăng kí đến nay cũng hết hạn.
Quốc Cường Gia Lai chấp thuận đầu tư hạ tầng, riêng quĩ đất để đầu tư hạ tầng thì công ty đã đền bù 100%. Công ty nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên – Môi trường xin giao đất để làm trước bước xây dựng hạ tầng. Nhưng khi nộp hồ sơ lên thì các chuyên viên của Sở khá lúng túng.
"Họ nói, chưa bao giờ thấy có việc giao đất để thực hiện hạ tầng trước nên họ không biết giải quyết như thế nào", bà Loan kể lại. Sau đó, chuyên viên của Sở hướng dẫn công ty quay về lại Sở Kế hoạch – Đầu tư để làm lại như từ ban đầu.
Bà Loan trình bày, dự án này quá lớn, tổng doanh thu của dự án dự kiến lên đến 50.000-70.000 tỉ đồng thì không thể nào một mình Quốc Cường Gia Lai đủ khả năng tài chính để làm mà phải liên doanh với các đối tác nước ngoài.
"Chúng tôi đã có các đối tác nước ngoài đồng hành với Quốc Cường Gia Lai 3 năm nay nhưng bây giờ họ đang rất nản, muốn rút. Họ nói, lí do là dự án đã được chấp thuận đầu tư rồi, 3 bước đã xong rồi, kế hoạch sử dụng đất có rồi thì tại sao bây giờ kế hoạch sử dụng đất không được gia hạn?
Quốc Cường Gia Lai đã mất 3 năm để được chấp thuận đầu tư. Nếu bây giờ làm lại từ đầu thì mất bao nhiêu lâu nữa? Dự án này là sự sống còn của doanh nghiệp chúng tôi", nữ CEO của Quốc Cường Gia Lai bộc bạch.
Bên cạnh đó, theo bà Loan, dự án cũng góp phần đóng ngân sách cho nhà nước rất lớn, nếu cộng cả ba loại thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất) thì phải trên 10.000 tỉ đồng.
"Đối tác nước ngoài đã nản quá rồi, chắc là phải rút. Nhưng bây giờ rút thì Quốc Cường Gia Lai cũng không có tiền để trả. Đây là một bài toán mà Quốc Cường Gia Lai không biết giải như thế nào", bà Loan chia sẻ.
Một dự án khác mà Quốc Cường Gia Lai cũng đang gặp rất nhiều khó khăn là dự án tại phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM.
Theo bà, dự án có diện tích 7,4 ha nhưng phải "gánh" 1,7 ha đất giáo dục, đất cây xanh 2.100 m. Cũng vì những chuyện đó mà Quốc Cường Gia Lai phải đi lại rất nhiều lần, cuối cùng cũng phải chấp nhận vì vốn không thể chờ được, đó là tiền vay ngân hàng.
Cuối cùng, trong tổng số 7,4 ha thì đất xây dựng chỉ còn 2,7 ha nhưng diện tích này chỉ được xây dựng 35%, tức là chỉ còn 1 ha. Quốc Cường Gia Lai chấp nhận hết, đến nay hồ sơ đã trình lên UBND TP nhưng không biết đến khi nào mới được giải quyết.
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland đề xuất với các Bộ, Sở ngành 2 phương án để giải quyết dự án The Water Bay 30,2 ha tại phường Bình Khánh, quận 2.
Phương án 1, Novaland được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10. Đối với phần dự án chưa triển khai thi công là lô D01 và các hạng mục thương mại dịch vụ sẽ bàn giao lại để cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá.
Phương án 2, Novaland được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lí đã được phê duyệt.