Tại hội nghị giữa lãnh đạo UBND TP HCM với doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, ông Lê Hữu Nghĩa, GĐ Công ty BĐS Lê Thành nêu lên nhiều khó khăn khi triển khai dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, huyện Bình Chánh.
Ông Nghĩa chia sẻ, khi triển khai dự án 2.160 căn nhà ở xã hội này, Lê Thành đang bị kẹt hồ sơ nhưng đến nay chưa biết làm sao tháo gỡ. Theo phê duyệt, dự án là chung cư cao 15 tầng, mật độ xây dựng 30% nhưng hệ số sử dụng đất của dự án chỉ được cho là 2.0, khác với đề xuất của công ty là 4.5.
Ông cho rằng công ty mình không làm được vì con số 2.0 này là lấy hệ số của nhà ở thấp tầng đi áp cho nhà ở cao tầng. Ông tính toán, lấy 15 tầng đó nhân cho 30% sẽ ra hệ số sử dụng đất là 4.5. Đó là chưa kể, đối với nhà ở xã hội được ưu đãi hệ số sử dụng đất thêm 50%, tức là hệ số 6.75.
"Bây giờ cho 2.0 thì chúng tôi phải làm sao? Hồ sơ chúng tôi trình lên thì bị bác, nói làm sai qui hoạch. Nếu lấy hệ số 2.0 tính ngược lại thì chỉ ra nhà ở 5 tầng, là loại nhà ở thấp tầng. Nhưng làm nếu làm như vậy (nhà ở 5 tầng) cũng sai vì khu này là qui hoạch nhà ở cao tầng. Gần một năm rồi chúng tôi không biết làm sao", ông Nghĩa trình bày với lãnh đạo UBND TP HCM.
Tới đây, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong hỏi ông Nghĩa: "Sở nói làm sai nhưng có hướng dẫn lại không?". Ông Nghĩa trả lời, một lần Sở Kế hoạch – Đầu tư có mời đi họp tổ liên ngành, giải quyết hoài cũng không xong việc này.
Ông Phong hỏi tiếp: "Ai chủ trì cuộc họp này?". Ông Nghĩa trả lời là Sở Kế hoạch – Đầu tư.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư giải thích. Vị này trả lời, đối với dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, Sở thực hiện đúng theo qui trình, lấy ý kiến các sở ngành liên quan đầy đủ.
Dự án này theo đề nghị của Công ty Lê Thành là 15 tầng, mật độ xây dựng 30% và hệ số sử dụng đất là 4.5. Tuy nhiên các chỉ tiêu về qui hoạch, tổng số căn hộ… của dự án không phù hợp với qui hoạch.
"Để giải quyết vấn đề này, Sở đã mời chủ đầu tư họp với tổ liên ngành, trong đó có Sở Qui hoạch – Kiến trúc để thống nhất lại giữa hai bên nhưng cuối cùng cũng không giải quyết được vấn đề", vị này nói.
Đến đây, ông Phong gay gắt: "Chỉ có một vấn đề nhỏ như vậy mà kéo dài gần năm trời. Mấy ông làm ăn kiểu vậy hả? Chuyện đó chỉ cần có một tuần để giải quyết thôi".
Tiếp tục, ông Phong yêu cầu Giám đốc Sở qui hoạch – Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã giải thích về vấn đề mà Công ty Lê Thành đã nêu.
Ông Nhã cho biết, hôm diễn ra cuộc họp, Sở cử cán bộ đi họp nên ông chưa nắm được nội dung và xin vài ngày để nắm lại và sẽ báo cáo lại sau.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong liền ngắt lời ông Nhã: "Chỉ tiêu qui hoạch thì Sở phải bảo đảm, phải hướng dẫn. Nhưng tôi muốn nói ở đây là sự phối hợp của các Sở. Chỉ một việc nhỏ như thế mà kéo dài 11 tháng. Mấy ông thấy bức xúc không?".
Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, việc được hay không được trong vấn đề của công ty Lê Thành thì chưa nói đến, nhưng Sở Qui hoạch – Kiến trúc là người gác cửa về qui hoạch. Nếu chuyện đó không được thì Sở phải giải quyết làm sao chứ không thể kéo dài 11 tháng như vậy.
Người đứng đầu UBND TP HCM nêu câu hỏi: "Bây giờ doanh nghiệp đặt ra vấn đề như vậy, được hay không được thì phải hướng dẫn người ta, sao lại im lặng kéo dài đến 11 tháng? Ở trong hội nghị này, ngay cả các anh chị là lãnh đạo Sở thì anh chị thấy có được hay không?".
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhận định, trong câu chuyện này Sở Qui hoạch – Kiến trúc phải nhìn ra được sự mâu thuẫn giữa các con số. Về chỉ tiêu qui hoạch, những con số phải có tính hệ thống và thống nhất. Nếu dự án tăng chiều cao thì hệ số xây dựng phải tăng.
Đề xuất của Công ty Lê Thành là hoàn toàn rõ ràng vì 15 tầng thì hệ số phải là 4.5 chứ không thể là 2.0 được.
Ông Hoan nói với Giám đốc Sở Qui hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã: "Dự án là nhà ở xã hội, lỗi ở đây là lỗi kĩ thuật của mình. Cho nên, anh về kiểm tra sớm rồi báo cáo lại và có đề xuất điều chỉnh cho đúng, chứ để vậy là rất chậm".
Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong nói tiếp, chỉ vì sự phối hợp không đồng bộ như vậy mà khiến doanh nghiệp trả giá bằng 11 tháng chờ đợi.
"Mai mốt mấy anh về hưu, mấy anh làm doanh nghiệp coi bức xúc tới cỡ nào. Đây là dự án nhà ở xã hội, có nhiều doanh nghiệp người ta phải vay ngân hàng để làm, nhưng chờ đợi như vậy rất là khó".
Ông Phong yêu cầu, các sở, ban ngành cần phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để thấy được sự khó khăn của họ mới thấy bức xúc như thế nào. Các doanh nghiệp phải chờ đợi trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, xây dựng.
Ông Phong giao Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan lập tổ công tác họp hàng tuần, trước 30/4 phải giải quyết xong để tháng 6 còn tập trung xử lí vụ Thủ Thiêm. Nếu thời gian trong tuần không có thì tổ công tác phải họp cả thứ 7, chủ nhật.
Đồng thời, cứ ba tháng một lần, lãnh đạo UBND TP và các doanh nghiệp bất động sản sẽ làm việc cùng nhau để tháo gỡ các vướng mắc.