HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa ban hành Nghị quyết giải thể Công ty CP Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn. Đây là công ty con do HAGL nắm 99% vốn điều lệ.
HAGL giao cho Tổng Giám đốc - ông Võ Trường Sơn, là người đại diện góp vốn của công ty tại Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn thông qua, triển khai các thủ tục pháp lí theo quy định của pháp luật để tiến hành giải thể công ty.
Công ty CP Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn mới được thành lập hồi tháng 2/2018, địa chỉ trụ sở nằm tại quận 10, TP HCM. Người đại diện pháp luật của công ty là pháp nhân Nguyễn Tấn Anh.
Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
Tại báo cáo tài chính quý IV/2019 của HAGL, tập đoàn cho biết không còn sở hữu một công ty nào hoạt động trong lĩnh vực thủy điện.
Trong tháng 12/2019, HAGL đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại Công ty CP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai. Số cổ phần chuyển nhượng là 248,5 triệu cổ phần, chiếm 99,4% vốn điều lệ của Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai.
Về phần Công ty CP Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn, lần cuối cùng công ty con này xuất hiện là trong báo cáo tài chính quý II/2019 của HAGL. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, tập đoàn cho biết vẫn còn đang trong giai đoạn đầu tư và chưa hoạt động.
Như vậy, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã quyết định giải thể công ty con này khi chưa chính thức đi vào hoạt động.
Quyết định nhằm tái khẳng định mục đích đẩy mạnh công tác tái cấu trúc tập đoàn, theo hướng mạnh dạn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực không hiệu quả, tăng cường tập trung vào nông nghiệp.
Với mục tiêu tập trung nông nghiệp, hồi đầu tháng 10/2019, bầu Đức cũng chính thức bán toàn bộ cổ phần tại Công ty CP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh - doanh nghiệp thực hiện dự án phức hợp tại Myanmar.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh mảng nông nghiệp trong năm 2019 lại không hề thuận lợi.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, cho biết tập đoàn chỉ ghi nhận 603 tỉ đồng doanh thu thuần, trong khi cùng kì năm 2018 lên đến 1.069 tỉ.
Nguyên nhân là không còn khoảng thu từ những mảng đã thoái, đặc biệt, doanh thu trái cây giảm mạnh do không con hợp nhất doanh thu từ nhóm Công ty Đông Dương và Cao su Trung Nguyên đã bán trong năm. Kết quả trong quý, tập đoàn lỗ trước thuế 513 tỉ đồng.
Lũy kế cả năm 2019, HAGL ghi nhận doanh thu thuần 2.082 tỉ đồng do giảm đáng kể nguồn thu từ bò, thuỷ điện, bất động sản… Lỗ trước thuế lên đến 1.743 tỉ đồng, trong khi đó, năm 2019, lãi 48 tỉ đồng.