Bầu Đức khẳng định tồn tại và duy trì khối tài sản to lớn của cổ đông là mục tiêu tối thượng trong năm 2020 của Hoàng Anh Gia Lai

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cho biết tập đoàn đang gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 nhưng với mục tiêu "phát triển nông nghiệp bền vững", Hoàng Anh Gia Lai sẽ sớm có lợi nhuận. "Tồn tại và duy trì khối tài sản to lớn của cổ đông là mục tiêu tối thượng trong năm 2020", bầu Đức cho biết.

Bầu Đức: Nợ ngân hàng giảm 5.300 tỉ là nỗ lực của Hoàng Anh Gia Lai

Tại Báo cáo thường niên 2019 Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán: HAG) vừa công bố, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết tập đoàn đang gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với mục tiêu "phát triển nông nghiệp bền vững", bầu Đức tin rằng Hoàng Anh Gia Lai sẽ sớm có lợi nhuận.

Bầu Đức cho biết năm 2019, dù tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng tập đoàn đã nỗ lực đầu tư phát triển mạnh cây ăn trái, tiếp tục tái cấu trúc theo hướng tập trung vào nông nghiệp, thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành, giảm bớt số dư nợ vay.

Vườn chuối, xoài, thanh long của bầu Đức đang ra sao mà ông kì vọng sớm dứt lỗ để có lãi trong thời gian tới? - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của HAGL giai đoạn 2015-2019. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai đã chính thức chia tay hai mảng bất động sản và thủy điện, sau khi chuyển nhượng dự án Hoàng Anh Myanmar và các dự án ngành thủy điện cuối cùng. Tập đoàn của bầu Đức cũng chuyển nhượng bớt 3 công ty con như Cao su Đông Dương, Đông Pênh Agrico và Cao su Trung Nguyên.

Theo bầu Đức, việc thoái vốn và bán bớt các công ty cao su để tạo nguồn thanh khoản, trả bớt nợ vay ngân hàng và tăng cường đầu tư phát triển diện tích cây ăn trái.

"Đến cuối năm 2019, tổng số dư nợ vay ngân hàng giảm xuống còn 12.700 tỉ đồng, số dư đầu năm là 18.000 tỉ đồng. Đây là thành quả của sự nỗ lực đáng ghi nhận của Hoàng Anh Gia Lai", Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết.

Bầu Đức cũng nói thêm từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động sản xuất kinh doanh, từ nguồn lao động cho đến nguồn cung ứng vật tư, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ... Đến thời điểm lập báo cáo thường niên, tình hình dịch vẫn đang diễn biến rất phức tạp và khó đoán được thời điểm kết thúc. 

Hoàng Anh Gia Lai đang có hơn 20.500 hecta chuối, xoài, thanh long...

Báo cáo thường niên cũng cập nhật vườn cây ăn trái của Hoàng Anh Gia Lai tính đến cuối năm 2019. 

Cụ thể, đến cuối năm 2019, tập đoàn của bầu Đức có 20.559 hecta cây ăn trái tại Việt Nam, Lào và Campuchia, không bao gồm diện tích của các công ty con đã chuyển nhượng cho doanh nghiệp của tỉ phú Trần Bá Dương. 

Vườn chuối, xoài, thanh long của bầu Đức đang ra sao mà ông kì vọng sớm dứt lỗ để có lãi trong thời gian tới? - Ảnh 2.

Chuối đang chiếm khoảng một nửa diện tích vườn trái cây của bầu Đức. (Ảnh: HAG).

Vườn cây có khoảng 15 loại cây ăn trái khác nhau, trong đó, chuối chiếm một nửa diện tích, góp phần chủ lực trong việc tạo ra doanh thu của năm 2019, và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các năm tiếp theo. 

Cụ thể, tổng diện tích vườn chuối đến cuối năm 2019 khoảng 10.000 hecta. Chuối tươi đang là sản phẩm chủ đạo mang lại nguồn thu lớn nhất cho tập đoàn. 

HAGL cho biết với ưu thế về quy mô lớn, nguồn hàng cung ứng đều quanh năm với chất lượng ổn định theo tiêu chuẩn Global GAP, chuối đã có mặt tại hầu hết các chuỗi siêu thị lớn của Trung Quốc và đang dần mở rộng thị trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore.

Sau chuối, thanh long cũng đang là sản phẩm loại cây ăn trái chủ lực trong tổng thể vườn trái cây của bầu Đức. Năm 2019, diện tích thu hoạch khoảng 1.000 hecta cho sản lượng hơn 14.000 tấn. 

Ngoài ra, danh mục các loại cây khác còn có thanh long, mít và xoài đã cho thu hoạch, và có triển vọng tốt, tạo nền tảng tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới.

Vườn chuối, xoài, thanh long của bầu Đức đang ra sao mà ông kì vọng sớm dứt lỗ để có lãi trong thời gian tới? - Ảnh 3.

Sau nhiều lựa chọn và cam kết, cuối cùng, bầu Đức chọn cây ăn trái làm mảng kinh doanh chính của HAGL. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

HAGL cho biết tập đoàn lấy thị trường Trung Quốc làm nền tảng, và sẽ chiếm giữ vị trí nhà cung cấp các loại trái cây nhiệt đới lớn nhất tại nước này. Đồng thời, sẽ đầu tư chế biến sâu sau thu hoạch như nước ép trái cây cô đặc, sấy khô, cấp đông để xuất khẩu để gia tăng giá trị sản phẩm, đa dạng hóa nguồn cung và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bầu Đức kì vọng vườn cây ăn trái sớm có lợi nhuận

Với vườn cây ăn trái đang khả quan, nhất là khi doanh thu 3 tháng đầu năm 2020 tăng gấp đôi so với cùng kì năm ngoái, bầu Đức bày tỏ sự lạc quan về tình hình kinh doanh hiện nay, nhất là sau khi bắt tay với tỉ phú Trần Bá Dương.

"Hoàng Anh Gia Lai tin tưởng rằng dịch Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng sẽ hồi phục. Ngành nông nghiệp cây ăn trái tạo ra các sản phẩm thiết yếu, nên sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt khi nền kinh tế được tái khởi động", bầu Đức kì vọng.

Vườn chuối, xoài, thanh long của bầu Đức đang ra sao mà ông kì vọng sớm dứt lỗ để có lãi trong thời gian tới? - Ảnh 4.

Bầu Đức kì vọng vườn cây ăn trái sớm có lợi nhuận. (Ảnh: HAG).

Theo ông, với phương châm giữ ổn định sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu tài chính để thích ứng khó khăn, và với các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ, thì tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển, duy trì công ăn việc làm cho người lao động và giữ gìn khối tài sản to lớn cho cổ đông.

Vì vậy, dù chưa đề ra mục tiêu cụ thể về doanh thu và lợi nhuận cho năm 2020, nhưng bầu Đức khẳng định năm nay sẽ duy trì chăm sóc tốt diện tích cây ăn trái đang có. Ông kì vọng hơn 20.000 hecta cây ăn trái góp phần chủ lực trong việc tạo ra doanh thu, và sẽ tăng trưởng trong các năm tiếp theo.

"Do Hoàng Anh Gia Lai đang trong giai đoạn đầu tư chuyển đổi ngành nghề và cơ cấu cây trồng, nên phát sinh các khoản lỗ do chi phí chuyển đổi vườn cây và chi phí thanh lí các tài sản gắn liền với vườn cây cũ, trong khi hơn một nửa diện tích cây ăn trái đang trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản. Các khoản lỗ này sẽ giảm dần, và tập đoàn sẽ nỗ lực để chuyển sang trạng thái có lợi nhuận trong thời gian sớm nhất", bầu Đức khẳng định.

Đồng thời, ông cũng cho rằng để ứng phó với dịch Covid-19, tập đoàn vẫn đảm bảo ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động, tích cực phòng chống dịch, giữ vững an ninh trật tự vùng dự án, duy trì kênh phân phối và giữ mối quan hệ với khách hàng.

"Bên cạnh đó, sẽ tiến hành bàn bạc với các ngân hàng để thực hiện các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất ứng phó với những khó khăn và hậu quả của dịch. Tồn tại và duy trì khối tài sản to lớn của cổ đông là mục tiêu tối thượng trong năm 2020", bầu Đức cho biết.